Thứ Tư | 06/11/2013 19:39

Truyền thông Trung Quốc trước sứ mệnh sao Hỏa của Ấn Độ

Cuộc đua trên lĩnh vực không gian có thể sẽ tăng thêm căng thẳng trong khu vực châu Á.
Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc dành những lời chúc mừng nồng nhiệt cho cuộc phóng thành công tên lửa lên sao hỏa của Ấn Độ, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng cuộc đua trên lĩnh vực không gian có thể sẽ tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Sứ mệnh Quỹ đạo sao Hỏa (MOM), tên con tàu không gian của Ấn Độ, đã phóng thành công từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan nằm bên bờ đông nước này, dự kiến sẽ tiến vào quỹ đạo sao Hỏa trong tháng Chín năm tới.

Thời báo China Daily cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ nên hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực thám hiểm không gian thay vì lao đầu vào một “cuộc chiến vũ trụ”.

Ông Diệp Hải Lâm, chuyên gia trong vấn đề Nam Á thuộc Viện KHXH Trung Quốc, đã trả lời báo giới rằng vụ phóng tàu vũ trụ của Ấn Độ là “1 thành công vang dội” trong lĩnh vực thiên văn của nước này và xứng đáng được toàn thế giới khen ngợi.

“Cũng như chúng ta, Ấn Độ cũng có những giấc mơ của riêng mình”, ông Diệp cho biết thêm.
Tờ South China Morning Post viết: “người láng giềng của Trung Quốc, tràn đầy sự tự tin và nghị lực, đã phô ra những lợi thế sẵn có và tiềm lực phát triển của mình”.

“Có thể cho rằng, Trung Quốc đang dần dần bước ra khỏi cái gọi là “trung tâm vương quốc” của riêng mình và bắt đầu nhận ra rằng, chỉ có hội nhập với những quốc gia láng giềng mới có thể đem lại sự ổn định và một môi trường thịnh vương hơn”

Tuy nhiên, 1 bài báo khác cũng trên South China Morning Post đã cảnh báo về nguy cơ gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Một số tờ báo khác cũng viết rằng các quốc gia láng giềng nên tránh những cuộc chạy đua không cần thiết và thay vì đó đầu tư vào các chương trình phúc lợi xã hội.

Tờ Global Times đặt câu hỏi về sứ mệnh không gian mới này trong tình cảnh Ấn Độ vẫn tràn ngập cảnh đói nghèo.

“Ấn Độ không thể im lặng trước những chỉ trích từ trong và ngoài nước, trước câu hỏi liệu một đất nước với hơn 350 triệu dân sống bằng mức thu nhập ít hơn 1,25 dollar/ ngày và 1/3 dân số vẫn chịu cảnh thiếu điện nước thường xuyên có nên dành hàng triệu dollar chỉ để chụp được vài bức ảnh của sao Hỏa hay không”.

Tờ báo cũng chỉ ra những khó khăn phía trước:

“Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Nga và EU thành công trong việc thám hiểm sao Hỏa. Những nỗ lực khác thăm dò hành tinh này, bao gồm sứ mệnh Yinghuo của Trung Quốc và Nozomi của Nhật Bản, đều đã thất bại. Ấn Độ đang có tham vọng dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực không gian.”