Trường tư học phí 1 USD / tuần: Tại sao không?
Dọc theo đường cao tốc từ bãi cỏ câu lạc bộ Muthaiga Country Club của thủ đô Nairobi (Kenya) là Mathare, một khu nhà ổ chuột rộng lớn trải dài ngút tầm mắt. Mặc dù Mathare không có đường phố được lát đá, hay tráng xi măng hoặc các hệ thống vệ sinh, nhưng lại sở hữu một lượng đáng kể lớp học chỉ 1 USD/tuần. Đó không phải là lớp học do Nhà nước đầu tư (nửa triệu dân ở khu ổ chuột này chỉ có 4 trường công lập) mà là của tư nhân. Mathare có tới 120 trường tư nhân giá rẻ như thế.
Mô hình này có ở khắp châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Vào năm 2010, ước tính có 1 triệu trường tư nhân tại các nước đang phát triển. Một số được điều hành bởi các tổ chức từ thiện và nhà thờ, hoặc dựa vào trợ cấp của Nhà nước. Nhưng tăng trưởng nhanh nhất là các trường học giá rẻ quy mô nhỏ, lập ra bởi các doanh nhân khởi nghiệp tại những khu vực nghèo khó, nơi người dân chỉ sống chưa tới 2 USD/ngày. Tại Lagos, Nigeria, số trường học tư nhân giá rẻ lên tới 18.000 trường. Có thêm hàng trăm trường được mở ra mỗi năm. Học phí trung bình chỉ khoảng 7.000 naira (35 USD) mỗi học kỳ và có thể thấp tới 3.000 naira.
Một lý do dẫn đến sự bùng nổ của trường tư nhân giá rẻ là việc chính phủ nhiều nước chưa cung cấp được một nền giáo dục “tươm tất”, dù hầu hết đều cam kết đem đến nền giáo dục tiểu dục phổ cập và thúc đẩy giáo dục cấp hai. Bằng chứng là phân nửa trẻ em ở Nam Á và 1/3 trẻ em ở châu Phi đã xong 4 năm học mà không biết đọc một cách chính xác.
Các giáo viên trường công thì không mặn mà đến lớp. Trong một cuộc khảo sát các trường học nông thôn ở Ấn Độ, 25% giáo viên vắng mặt. Tại châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra tỉ lệ giáo viên vắng mặt là 15-25%. Gần đây Pakistan đã phát hiện ra nước này có hơn 8.000 trường công không hề tồn tại, chiếm 17% tổng số trường công. Sierra Leone có tới 6.000 giáo viên “ma”, chiếm gần 1/5 số giáo viên có trên bảng lương của Nhà nước. “Giáo viên trường công không cảm thấy bắt buộc phải đến trường”, Emmanuel Essien, một tài xế đưa rước con đi học ở một trường tư tại Alimosho, ngoại ô Lagos, cho biết.
Bên cạnh tính kém hiệu quả của giáo dục công, sự chuyển hướng ở các nền kinh tế mới nổi từ nông nghiệp sang đi làm - vốn cần một số kiến thức giáo dục nhất định - cũng dẫn đến sự bùng nổ về trường tư với học sinh theo học rất đông. Theo WB, khắp các nước đang phát triển, 1/5 học sinh tiểu học nhập học trường tư, gấp 2 lần cách đây 20 năm. Vì có quá nhiều trường tư mở ra nhưng không đăng ký, nên con số trên thực tế sẽ cao hơn nhiều. Thống kê tại Lagos cho thấy có 12.000 trường tư, gấp 4 lần so với số liệu chính phủ công bố.
Một lý do khác cho sự bùng nổ giáo dục tư nhân ở các nước đang phát triển là các bậc cha mẹ muốn tìm trường tốt hơn cho con mình. Vào năm 2012, Kaushik Basu, giờ làm việc tại WB, khi ấy là cố vấn cho Chính phủ Ấn Độ, cho biết tỉ lệ biết chữ đang tăng nhanh ở Ấn Độ chủ yếu là do các bậc cha mẹ bỏ tiền ra chi cho giáo dục để giúp con mình học khá hơn. “Người ta nhận ra rằng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, họ sẽ có lợi hơn nếu được giáo dục tốt hơn”, ông nói. UNESCO ước tính phân nửa chi tiêu vào giáo dục ở nước nghèo là do cha mẹ tự bỏ tiền túi. Tại các nước giàu, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động giáo dục thường phản đối sự phổ biến của trường tư, một phần vì sợ những người nghèo nhất sẽ bị lãng quên, nhưng phần nhiều hơn là vì sự lý tưởng hóa. Tiến sĩ Kishore Singh, chịu trách nhiệm về quyền giáo dục tại UNESCO, cho rằng giáo dục vì lợi nhuận “không nên được cho phép nhằm bảo vệ ý nghĩa cao đẹp của giáo dục”.
Dẫu vậy, cải cách giáo dục vẫn đang diễn ra mạnh mẽ với sự góp mặt của khối tư nhân. Tại Pakistan, có 25 triệu trẻ em không đi học và các nhà chính trị cải cách đang quay sang khu vực tư nhân để tăng nhanh số trường học giá rẻ.
Ông Shahbaz Sharif, người đứng đầu tỉnh Punjab, Pakistan tuyên bố chính quyền sẽ không xây bất kỳ trường học mới nào dù là để đạt mục tiêu có 100% học sinh đến tuổi đi học nhập học vào năm 2018. Thay vào đó, tiền sẽ được bơm vào khu vực tư nhân thông qua chương trình Punjab Education Foundation (PEF), một tổ chức độc lập nhắm đến hộ nghèo.
Một dự án giúp các doanh nhân khởi nghiệp thành lập các trường mới, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Một dự án khác cấp “phiếu đi học” cho các cha mẹ sống ở khu ổ chuột để họ gửi con vào các trường được PEF phê chuẩn. Mặc dù chi phí mỗi học sinh chưa tới phân nửa số được chi ra ở các trường công, nhưng kết quả ít nhất cũng là khả quan, theo Aneela Salman, Giám đốc Điều hành PEF. PEF hiện đào tạo 2 triệu trong số 25 triệu trẻ em ở Punjab, dự kiến sẽ tăng thêm 1 triệu nữa vào năm 2018.
Một hình thức đầy hứa hẹn là sự xuất hiện của các hệ thống trường học hoạt động vì lợi nhuận nhưng giá rẻ ở các thành phố lớn tại châu Phi và Nam Á. Một số hệ thống trường học ban đầu phục vụ các gia đình khá giả nhưng giờ đang chuyển sang phục vụ cả cho số đông. Bridge International Academies là tổ chức lớn nhất, nhận được vốn rót của các nhà đầu tư như Mark Zuckerberg, CEO của Facebook và tỉ phú Bill Gates. Tổ chức giáo dục này đang điều hành khoảng 400 trường tiểu học ở Kenya và Uganda và đang có kế hoạch mở thêm ở Nigeria và Ấn Độ. Omega Schools có 38 cơ sở ở Ghana. Các hệ thống giáo dục giá rẻ có hơn 10 trường hoặc ít hơn gần đây cũng đã được lập ra ở Ấn Độ, Nigeria, Philippines và Nam Phi.
Một xu hướng khác, theo Prachi Srivastava của Trường Đại học Ottawa, là sự trỗi dậy của các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ cho các trường tư trong đó có việc phát triển chương trình giảng dạy, bộ dụng cụ khoa học và đào tạo ban quản trị trường. Các tổ chức tín dụng cũng xuất hiện. Indian School Finance Company, được rót vốn bởi Grey Ghost Ventures, đã bành trướng sang 6 bang Ấn Độ kể từ khi thành lập vào năm 2009.
Chương trình IPD Rising Schools Programme, một chương trình cho vay nhỏ ở Ghana, cũng cung cấp cho khách hàng dịch vụ đào tạo giáo viên. Giáo dục tư nhân có thể là một lĩnh vực kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp này và các nhà đầu tư của nó và cho cả học sinh, nếu chính phủ các nước tạo điều kiện cho hình thức này nở rộ.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist