Giá nguyên liệu thô cao hơn và tắc nghẽn nguồn cung đang thúc đẩy giá sản xuất, cuối cùng làm tăng chỉ số tiêu dùng ở nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

 
Phùng Mỹ Thứ Sáu | 14/05/2021 15:21

Trung Quốc "xuất khẩu" lạm phát ra toàn cầu

Chi phí sản xuất tăng vọt của Trung Quốc gửi tín hiệu lạm phát đến thế giới.

Theo Bloomberg, nhiều tháng nay các nhà máy ở Trung Quốc đã phải tự chịu đựng các cú sốc tăng giá. Giờ đây, họ bắt đầu chuyển một phần gánh nặng cho các khách hàng ở nước ngoài, gây thêm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn cầu.

Gây thêm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn cầu

Nhà máy của ông Bryant Chan ở Hà Nguyên, Quảng Đông, Trung Quốc, sản xuất súng đồ chơi Nerf, máy tính bảng đồ chơi LeapPad và nhiều đồ chơi khác cho các thương hiệu lớn của Mỹ. Công ty còn sản xuất cả các thiết bị điện tử, chẳng hạn như một thiết bị có thể thu thập dữ liệu về xích đu trong golf. 

Là chủ tịch của Wynnewood Corp có trụ sở tại Hồng Kông, ông Bryant Chan đã chứng kiến giá cả mọi thứ đều tăng lên, từ những thứ như sơn, ốc vít, lò xo, hóa chất, đến giá kim loại, pin và chi phí đóng gói đều tăng khoảng 15% kể từ đầu năm đến nay. Cá biệt giá hạt nhựa đã tăng tới 40%.

 

Để minh họa, ông Chan liệt kê chi phí làm nên chiếc camera thường được các thợ săn và những nhiếp ảnh gia chuyên chụp động vật hoang dã sử dụng. Là sản phẩm chiếm 40% chi phí sản xuất của công ty, chi phí đóng gói sản phẩm này cũng chiếm khoảng 1/10 tổng chi phí, cũng tăng 10%. Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng chi phí sản xuất, nhưng tác động của việc tăng giá nhựa cũng không nhỏ. Tổng cộng chi phí sản xuất chiếc camera đã tăng 6%.

Nhà máy của Wynnewood Corp tại Hà Nguyên, Trung Quốc. Ảnh: Wynnewood Corp Limited.
Nhà máy của Wynnewood Corp tại Hà Nguyên, Trung Quốc. Ảnh: Wynnewood Corp Limited.

Các nhà máy của Trung Quốc đã trải qua nhiều tháng hứng chịu những cú sốc tăng giá, từ giá nguyên liệu thô tăng vọt, tình trạng chiếu chip và thậm chí là sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez hồi tháng 3. Giờ đây, các nhà sản xuất đang "chia sẻ" một phần gánh nặng của họ cho các khách hàng ở nước ngoài, làm tăng thêm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn cầu.

Vào tháng 4, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2017, với mọi thứ từ các mặt hàng tiêu thụ lớn như dầu và kim loại cho đến các linh kiện như ốc vít và bìa cứng đều tăng giá. Ở bên kia Thái Bình Dương, trong tháng 3 chỉ số giá hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng mạnh nhất trong gần 9 năm trở lại đây.

Tăng trưởng chỉ số giá sản xuất ở các nước. Ảnh: Bloomberg.
Tăng trưởng chỉ số giá sản xuất ở các nước. Ảnh: Bloomberg.

Liệu làn sóng tăng giá sẽ kéo dài bao lâu và cuối cùng áp lực giá ở Trung Quốc có lan tỏa lên người tiêu dùng trên khắp thế giới hay không vẫn là một ẩn số lớn. Nếu như tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra sớm được giải quyết, thì lạm phát có thể biến mất.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong giá đầu vào và giá đầu ra đối với các nhà sản xuất Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy chi phí vẫn chưa được phản ánh hết. Hồi tháng 4, giá nguyên vật liệu thô đã tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức tăng 5,4% đối với hàng hóa sản xuất. Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) trong tháng 4 cho thấy giá đầu vào tăng mạnh hơn nhiều so với giá đầu ra.

Các nhà sản xuất đang loay hoay tìm cách khắc phục và cắt giảm chi phí để tránh tăng giá, theo Christopher Tse, CEO của Musical Electronics, công ty có trụ sở ở Hồng Kông chuyên sản xuất loa Bluetooth và hệ thống âm thanh trong nhà cho thị trường Mỹ. "Cuối cùng thì chúng tôi không có lựa chọn nào cả, nhưng vẫn sẽ thử mọi cách để cắt giảm chi phí thay vì đẩy phần lớn gánh nặng cho khách hàng".

Làn sóng tăng giá sẽ sớm tác động đến các kệ hàng ở Mỹ

Nghiên cứu của ngân hàng Standard Chartered cho thấy tỉ lệ tương quan giữa chỉ số PPI của Trung Quốc và chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ khá cao, ở mức 0,61 trong những năm gần đây.

Các nhà sản xuất khác, trong đó có Mỹ, Đức và Hàn Quốc, cũng đang chứng kiến xu hướng chi phí tăng. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index theo dõi giá 23 loại nguyên vật liệu thô đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 và tăng hơn 70% kể từ khi chạm đáy thấp nhất 4 năm vào 3.2020.

Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index trong 10 năm. Ảnh: Bloomberg.
Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index trong 10 năm. Ảnh: Bloomberg.

Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc hiện tại đang mạnh, kim ngạch xuất khẩu nước này (tính bằng USD) đã tăng 32,3% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở tăng trưởng trung bình 2 năm, tăng trưởng xuất khẩu là 16,8%, cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự kết hợp giữa giá tăng và nhu cầu lớn chắc chắn sẽ dẫn đến thời kỳ lạm phát tăng mạnh.

Ông Wilson Lam, người sở hữu nhà máy ở Thâm Quyến chuyên sản xuất bao bì cho các thương hiệu nước hoa và mỹ phẩm toàn cầu, cũng như sản xuất phụ kiện cho ngành rượu, cho rằng: không thể tránh việc một số khoản tăng phí sẽ cần được chia sẻ với các khách hàng ở châu Âu.

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể chịu đựng được tất cả những sự gia tăng chi phí này", Giám đốc Wilson Lam tại Chi Kwong (Luen Kwong) Metal Products & Electroplate Factory cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ “soán ngôi” Trung Quốc về dân số vào năm 2025