Thứ Ba | 21/05/2013 15:51

Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng tới vùng Caribe

Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng của mình tại vùng biển Caribe, khi Mỹ bắt đầu chuyển hướng trọng tâm nhiều hơn sang châu Á-Thái Bình Dương.
Vùng Caribe trong quá khứ từng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chính quyền Mỹ, thậm chí cựu tổng thống George W. Bush từng gọi nơi đây chính là "biên giới thứ 3" của Mỹ. Tuy nhiên, khi chính quyền Washington bắt đầu chuyển hướng trọng tâm sang các khu vực khác, điển hình như châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Caribe trở thành mục tiêu vô cùng hấp dẫn của nhiều cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các khoản đầu tư lớn, các dự án chiến lược cùng sự hiện diện ngày càng rõ nét của Trung Quốc tại khu vực này chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Theo người đứng đầu ủy ban Caribe - cơ quan tư vấn và chính sách hàng đầu của khu vực - ông David Jessop cho biết chính sách của chính quyền Trung Quốc đối với khu vực thay đổi liên tục, song ngày một mạnh mẽ hơn.

"Các dự án của Trung Quốc tại Caribe đang tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Nhiều quốc gia trong khu vực đua nhau đặt đại sứ quán ở Bắc Kinh, các cuộc trao đổi cấp cao giữa các chính trị gia khu vực và Trung Quốc cũng diễn ra thường xuyên hơn", ông Jessop nói.

Trong khi Mỹ quay lưng, Trung Quốc nhanh chóng xây dựng tầm ảnh hưởng ở Caribe.
Trong khi Mỹ quay lưng, Trung Quốc nhanh chóng xây dựng tầm ảnh hưởng ở Caribe.

Dự án lớn nhất do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn ở Caribe cho đến nay là khu nghỉ mát Baha Mar đang trong quá trình xây dựng ở Bahamas, với chi phí lên tới hàng tỷ USD. Trong tháng 4, Jamaica cũng được chính quyền Bắc Kinh cho vay 300 triệu USD để tái thiết và phục hồi cơ sở hạ tầng trong nước.

Trái ngược với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Caribe chính là sự thờ ơ của Mỹ tại khu vực này. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như Cuba, Haiti và Puerto Rico, chính quyền Washington gần như không thực thi một chương trình lớn nào ở khu vực này. Sự quay lưng của Washington không khỏi khiến nhiều chính trị gia khu vực thất vọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia vùng Caribe đang sa lầy trong khủng hoảng kinh tế và khó khăn tài chính.

Thủ tướng Grenada Keith Mitchell cho biết: "Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm và liên tục ra tay giúp đỡ các nước vùng Caribe. Có lẽ Bắc Kinh cũng cảm nhận được sự tức giận với sự thờ ơ của Mỹ đang bao trùm trên khắp khu vực".

Chuyên gia về vùng Caribe Victor Bulmer-Thomas cũng nhận định khi các nhà hoạch định
Nhiều người cho rằng Trung Quốc quyết định xây dựng ảnh hưởng ở khu vực này là vì mục đích chính trị.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc quyết định xây dựng ảnh hưởng ở khu vực này là vì mục đích chính trị.
chính sách khu vực bực tức với sự thờ ơ cả Mỹ, nhiều người không ngần ngại chào đón Trung Quốc với tư cách là một người bạn mới.

Phần lớn các khoản đầu tư của Mỹ vào khu vực tập trung vào 2 mảng chính là đầu tư tư nhân và du lịch. Tuy nhiên, chúng nhanh chóng sụp đổ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nổ ra. Ngược lại, Trung Quốc thì tập trung hơn vào các mối quan hệ đối tác cấp độ chính phủ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về mục đích thực sự của Bắc Kinh tại Caribe, không ít học giả tỏ ra vô cùng bối rối.

Phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Mỹ Latinh - Trung Quốc, ông Xu Shicheng, cho biết mục đích chính của Trung Quốc tại khu vực không nằm ngoài lý do kinh tế, điều này cũng cho thấy Caribe cũng là một khu vực tiềm năng giúp Trung Quốc giải phóng lượng dự trữ tiền tệ khổng lồ thông qua hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, một số khác lại phản bác rằng ngoài một số mỏ khoáng sản ở Guyana và Suriname, khu vực Caribe có lượng tài nguyên khoáng sản không đáng kể. Bên cạnh đó, dân số khu vực này cũng quá thấp, do đó không mấy ý nghĩa với xuất khẩu Trung Quốc.

Họ cho rằng Trung Quốc quyết định xây dựng ảnh hưởng ở khu vực này là vì mục đích chính trị. Dù khá nhỏ, song vùng Caribe lại có vai trò vô cùng to lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc nhờ sở hữu khá nhiều phiếu bầu. Mỗi một quốc gia trong khu vực Caribe, dù nhỏ bé tới cỡ nào, cũng đều sở hữu một lá phiếu trong mọi cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc. Việc tạo mối quan hệ thân thiết với Caribe cũng đồng nghĩa Trung Quốc sẽ có một lực lượng hậu thuẫn khá lớn trong mọi tiếng nói của mình tại Liên Hợp Quốc.

Mặc dù chi khá nhiều tiền cho khu vực, song Trung Quốc cũng vấp phải không ít khó khăn. Điển hình là việc gần như mọi dự án xây dựng của Trung Quốc ở Caribe đều do các công nhân Trung Quốc thực hiện, khiến nhiều địa phương không thể tạo thêm việc làm cho người dân bản địa. Chưa kể sau khi dự án hoàn thành, nhiều công nhân Trung Quốc còn định cư lại và thành lập các doanh nghiệp riêng, cạnh tranh với người dân địa phương.

Đôi khi, một số quốc gia còn công khai bày tỏ sự phản đối sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, như Dominica hay Haiti.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện