Robot của Quicktron di chuyển và sắp xếp các thùng hàng trong kho. Ảnh: Nikkei Asia.
Trung Quốc và tham vọng thâm nhập thị trường logistics tại Nhật
Các startup robot kho hàng của Trung Quốc hiện rất quan tâm đến đơn hàng tại Nhật, một thị trường đang chật vật với việc xử lý tình trạng tắc nghẽn trong ngành công nghiệp logistics.
Syrius Robotics, có trụ sở tại Thâm Quyến, dự kiến cung cấp 3.000 robot cho Nhật mỗi năm trong 2 năm tới, gấp 10 lần số lượng hiện tại, những thiết bị này sẽ hiển thị và vận chuyển mặt hàng cần được giao cho nhân viên tiếp nhận bưu kiện.
Ông Adam Jiang, Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập của Syrius, cho biết robot của Công ty có thể vận hành trong các lối đi rộng chưa đến 1 mét, nên có thể dùng trong bất kỳ nhà kho nào mà không cần sửa đổi nhiều.
Một trung tâm logistics trên đảo Shikoku phía Tây, Nhật đã mua 60 robot Syrius vào mùa hè năm ngoái, đồng thời giảm nhân viên từ 90 xuống còn 40 người.
Ông Jiang cho biết, robot của mình hoàn toàn phù hợp với không gian nhỏ hẹp. Thị trường mục tiêu của Công ty là các nhà kho nhỏ, có diện tích khoảng 3.300 m2.
Tại Nhật, robot kho hàng lần đầu tiên xuất hiện tại các cơ sở logistics lớn do các công ty thương mại điện tử tên tuổi vận hành. Nhà cung cấp dịch vụ đặt hàng qua thư Askul đã sử dụng robot của Murata Machinery, công ty đóng gói Rengo và công ty khởi nghiệp Mujin ở Tokyo. Trong khi Amazon Nhật sử dụng robot được phát triển trong chính Tập đoàn Amazon để vận hành trung tâm xử lý đơn hàng.
Trước đó, Nhật cũng đã thông qua quyết định giới hạn thời gian làm việc của các tài xế xe tải xuống còn 960 tiếng/năm. Điều này làm dấy lên lo ngại thiếu tài xế để xử lý khối lượng hàng cần vận chuyển trên toàn quốc trong năm 2024.
Việc thiếu tài xế dự kiến sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các công ty vừa và nhỏ. Nếu robot có thể tiết kiệm nhân công và chi phí tại kho thì sẽ có nhiều tài xế được tuyển dụng hơn.
Bối cảnh hiện tại ở Nhật là cơ hội cho ngành công nghiệp robot khổng lồ của Trung Quốc. Liên đoàn Robot Quốc tế báo cáo rằng khoảng 550.000 robot công nghiệp mới đã được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2022 và 52% số robot đó là do Trung Quốc sản xuất, theo dữ liệu IFR.
Nhu cầu của ngành hậu cần thay đổi tùy thuộc vào sản phẩm được xử lý. Song, phần lớn nhu cầu đó đều được đáp ứng bởi các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.
Công ty Hai Robotics đã giao 165 máy sang Nhật trong 3 năm qua và dự kiến cung cấp 300 chiếc mỗi năm kể từ năm nay.
Trong khi đó, Quicktron đã ra mắt robot di động tự động tại Nhật vào tháng 9 năm ngoái. Các robot hoạt động theo cặp, trong đó một robot di chuyển các thùng theo chiều ngang trong nhà kho và robot còn lại nâng các thùng theo chiều dọc để đặt lên kệ.
Ông Cai Xingshun, Giám đốc Điều hành của công ty con Quicktron Japan cho biết: “Nếu thành công trong việc mở rộng sang Nhật, chúng tôi có thể áp dụng bí quyết của mình ở các quốc gia khác”.
Dân số Trung Quốc đạt tổng cộng hơn 1,4 tỉ người vào cuối năm ngoái, giảm 2,08 triệu người trong năm suy giảm thứ 2 liên tiếp. Dân số trong độ tuổi lao động từ 15-59 dự kiến giảm hơn 10 triệu người mỗi năm bắt đầu từ năm 2040.
Mức lương trung bình hàng năm tại các công ty tư nhân ở các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải dao động quanh mức 104.000 nhân dân tệ (14.600 USD) vào năm 2022. Con số này vẫn thấp hơn mức của các nền kinh tế tiên tiến, nhưng thị trường lao động thắt chặt đang gây áp lực tăng lương.
Trước bối cảnh đó cộng với việc Nhật là quốc gia đầu tiên trải qua xã hội già hóa, đây sẽ là nơi thử nghiệm robot tiết kiệm lao động lý tưởng. Sau đó, các công ty Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Nhật cũng tìm cách nắm bắt sự tăng trưởng dự kiến ở quê nhà. Họ dự định trau dồi độ chính xác kỹ thuật ở Nhật để sử dụng sau này ở Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
Ước mơ biến bất động sản văn phòng thành nhà ở của người Mỹ
Nguồn Nikkei Asia