Trung Quốc và nỗi lo “bóng ma" Lehman Brothers trở lại
Trung Quốc và Mỹ năm 2008
Trong những ngày giữa tháng 6, cuộc khủng hoảng tiền mặt và thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc, đột nhiên khiến một liên tưởng thú vị chợt nảy sinh. Có vẻ như, Trung Quốc bây giờ giống như nước Mỹ cách đây 5 năm?
Tại Trung Quốc, sau nhiều năm tín dụng tăng nóng quá mức, mà phần lớn xuất phát từ hệ thống tín dụng đen. Kết cục là nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc phải ngừng cho vay lẫn nhau trong tháng này, chính xác vào ngày 20/6 lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng lên lỷ lục 25%.
Cuộc khủng hoảng mới xảy ra tại Trung Quốc dường như gợi nhắc về “bóng ma ngày cũ“ của cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Mỹ năm 2008, mà cho đến nay nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Hai câu hỏi gợi lên từ so sánh này. Một là, liệu nền kinh tế Trung Quốc có đang trải qua vấn đề như nước Mỹ đã từng gặp phải năm 2008? Hai là, có phải các nhà chức trách có đang làm những điều đúng đắn? Không hẳn vậy. Rất nhiều điều còn phụ thuộc vào quá trình cải cách đang được đẩy mạnh của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc chắc chắn đang tồn tại một số lo ngại thực sự. Tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với sản phẩm quốc nội (GDP) và giá bất động sản tăng cao, đặc biệt tại các thành phố ven biển. Đây thường là dấu hiệu báo hiệu cho sự rắc rối.
Lịch sử từng chứng kiến, việc tăng mạnh trong hoạt động cho vay, cùng với sự bùng nổ giá bất động sản, đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng của Mỹ năm 2008 và nhiều nền kinh tế khác cũng từng lâm vào khủng hoảng sau theo cách như vậy. Trong những trường hợp này, các khoản đầu tư vội vàng tháo chạy khiến các ngân hàng trở nên yếu kém thậm chí phá sản, hoạt động cho vay rơi vào trạng thái đình trệ và niềm tin cũng tan biến. Sau đó, chính phủ đã phải vào cuộc, bằng cách tái cấp vốn cho một số ngân hàng, đồng thời thúc giục những ngân hàng khác tiếp tục cho vay.
Tuy nhiên, tình hình tại Trung Quốc mang những nét khác biệt căn bản. Đó là tỷ lệ tiết kiệm cao khác thường, trái ngược hẳn với Mỹ. Năm 2008, thói quen tiêu dùng cao khiến cho người dân Mỹ vẫn cảm thấy ổn. Nhưng ngân hàng đã phải chịu quy định khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, các khoản cho vay không được vượt quá 75% tiền gửi và Trung Quốc phải thực hiện đầy đủ các quy định về vốn ngân hàng theo Hiệp ước vốn Basel III.
Đặc biệt, nhà nước chính là chủ sở hữu của các ngân hàng lớn nhất. Hệ quả xấu là có quá nhiều khoản vay đã chảy vào các doanh nghiệp nhà nước hoặc do nhà nước chi phối. Nhưng cũng có mặt tốt, khi những khoản cho vay này biến thành nợ xấu, nhà nước không cần phải quốc hữu hóa, mà có thể cho các ngân hàng tiếp tục cho vay và nhà nước sẽ quyết định xem sẽ phân bổ nợ như thế nào và bao giờ. Trên thực tế, nhà nước Trung Quốc có thể đóng vai trò là một quan tòa phán quyết phá sản đối với nền kinh tế, kiểm soát chủ nợ (ngân hàng), kiềm chế sự lây lan một cách có trật tự và trên hết, bảo tồn giá trị của nền kinh tế.
Khủng hoảng tiền mặt của Trung Quốc cũng vì một lý do khác. Năm 2008, thị trường liên ngân hàng Mỹ rơi vào trạng thái đóng băng khi các ngân hàng từ chối cho vay lẫn nhau. Còn thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc đã đóng băng trong tuần trước bởi chính ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) từ chối cho các ngân hàng thương mại vay. Mặc cho nhu cầu tiền mặt của một số ngân hàng đang tăng khi thời điểm cuối quý II đến gần, PBOC vẫn ung dung để cho lãi suất tăng vọt và phát đi tín hiệu thể hiện quyết tâm hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức.
Để lãi suất liên ngân hàng tăng vọt là một điều “tàn nhẫn”. PBOC đã trừng phạt ngân hàng, kèm theo một thông điệp cảnh báo việc sử dụng vốn lãng phí của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một rủi ro kèm theo là nó cũng có thể ảnh hưởng đến những đối tượng khác. Hậu quả của sự khoanh tay của ngân hàng trung ương, những tin đồn xoay các ngân hàng và máy rút tiền tự động (ATM) hết tiền mặt, nhanh chóng lan truyền. Đến hôm 24/6, thị trường chứng khoán Trung Quốc nếm trải ngày tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 5,3%.
Việc PBOC không hành động có nguy cơ đe dọa lòng tin vào hệ thống ngân hàng. Nhưng may thay, thế nguy hiểm đã đánh thức các nhà chức trách, cuối cùng PBOC cũng quyết định hành động nhằm xoa dịu thị trường hôm 25/6.
Cần làm gì tiếp?
Hiện nay, những ưu tiên cần được đặt lên hàng đầu, bắt đầu từ việc làm trong sạch hệ thống tài chính và tái cân bằng nền kinh tế. Bên cạnh đó, nên cho phép các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, để thu hút lượng vốn lâu nay đã chảy vào hệ thống tín dụng đen. Đưa hình thức bảo hiểm tiền gửi vào hoạt động cũng sẽ giúp phân biệt loại tiền gửi được bảo đảm với loại tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống tín dụng ngầm.
Mặt khác, chính phủ Trung Quốc cần "hạ nhiệt" một số ngành đang phát triển quá nóng và giải phóng những ngành khác. Mục tiêu đặt ra là cần phải ngăn chặn đầu cơ nhà ở bằng cách áp thuế bất động sản hàng năm, tính trên giá trị thị trường của ngôi nhà, và mở rộng thí điểm đánh thuế tại Trùng Khánh và Thượng Hải.
Để khuyến khích đầu tư tư nhân trong các ngành công nghiệp, chính phủ Trung Quốc còn phải tốn nhiều công sức, nhất là trong các ngành từ đường sắt đến viễn thông, hiện đang chịu sự chi phối bởi khối doanh nghiệp nhà nước. Điều đó sẽ “cởi trói” cho các ngân hàng Trung Quốc, bởi nhóm khách hàng cho vay được mở rộng và do đó ngân hàng thoải mái "chọn mặt gửi vàng".
Tuy nhiên, thách thức đặt ra chính là, quá trình cải cách như vậy sẽ tốn không ít thời gian và đương nhiên nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại trong ngắn hạn. Theo công ty nghiên cứu Dragonomics, tăng trưởng của Trung Quốc có thể chỉ ở mức 6% trong năm tới, giảm mạnh so với tỷ lệ tăng trưởng hai con số đã rất quen thuộc với người Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ trong năm nay là 7,5%.
Rõ ràng, Bắc Kinh đang đau đầu trước một loạt lo lắng như vậy. Tuy nhiên, con đường duy nhất là chống lại sự cho vay lãng phí và chi tiêu không hiệu quả. Trung Quốc, nền kinh tế đã phát triển vững vàng theo cách của mình trong quá khứ, nhưng nếu để bong bóng lan rộng, thì khi đó phép so sánh Trung Quốc hiện tại với Mỹ năm 2008, có lẽ sẽ trở nên thích hợp hơn.
Còn bây giờ, Trung Quốc không phải là nước Mỹ thời khủng hoảng và tình hình các ngân hàng Trung Quốc hiện nay, cũng không mang bóng ma ngày cũ của Lehman Brothers quay trở lại.
Nguồn Economist/Dân Việt