HuffPost
Trung Quốc và Mỹ, ai cần ai hơn?
→Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra...
→Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Vừa đánh, vừa nhìn
Mỹ cần Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc cần tới Mỹ
Đe dọa đánh thuế lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 150 tỷ USD/năm, Tổng thống Trump đang khiến nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên, dường như ông chủ Nhà Trắng đã quên mất một thực tế quan trọng: Mỹ cần Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc cần tới Mỹ, Bloomberg nhận định.
Trung Quốc là một nền kinh tế được dẫn dắt bởi xuất khẩu và người tiêu dùng Mỹ là khách hàng lớn nhất của họ. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã giảm từ 37% trong năm 2007 xuống còn 20% hiện nay. Sau hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã tìm ra cách cân bằng thông qua việc tăng cường tiêu thụ nội địa. Với thị trường trong nước lên tới hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc có thể "sống khỏe" trước các áp lực thuế quan và các hành động khác nhằm vào xuất khẩu của quốc gia này.
Trong khi đó, Mỹ không có những lợi thế như vậy. Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong việc cung cấp hàng hóa giá rẻ, cho phép người Mỹ được hưởng lợi. Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc như một trong những nhà nhập khẩu chính, bên cạnh Mexico và Canada. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ nhưng lại là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất.
Và tất nhiên, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc ngăn chặn thâm hụt ngân sách của chính họ. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào trái phiếu Mỹ, với khoảng 1,3 nghìn tỷ USD sở hữu trực tiếp và 250 tỷ sở hữu gián tiếp. Vắng Trung Quốc, người Mỹ sẽ ngay lập tức hứng chịu hậu quả.
Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc bắt nguồn từ chính sự yếu kém trong cấu trúc nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ đang thiếu đáng kể tiết kiệm nội địa. Trong quý 4/2017, tiết kiệm nội địa ròng của Mỹ chỉ tương đương 1,3% thu nhập quốc dân. Sự thiếu hụt này khiến Mỹ phải trông chờ vào nguồn tiền từ nước ngoài cũng như điều hành cán cân thanh toán lớn và thâm hụt thương mại để nhập khẩu nguồn vốn này. Năm 2017, Mỹ đã đẩy mạnh thâm hụt thương mại với 102 quốc gia.
Trump thực sự cần nhìn lại chính mình
Trong khi đổ lỗi cho Trung Quốc là nhân vật phản diện của Mỹ, ông Trump thực sự cần nhìn lại chính mình.
Thứ nhất, ông Trump cho rằng con số thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là 500 tỷ trong khi Bộ Thương mại đưa ra là 375 tỷ USD, thấp hơn 1/3.
Thứ hai, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ít nhất 40% trong sự bất cân bằng thương mại này liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, những phần cấu thành lên một sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ được sản xuất ở nhiều nước khác nhau và được lắp ráp tại Trung Quốc.
Thứ ba, những chính sách nhằm giảm thâm hụt thương mại của Tổng thống Trump sẽ khiến vấn đề với thương mại của Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Nền kinh tế Mỹ, vốn có mức tiết kiệm nội địa thấp, không thể quay vòng nếu thiếu thâm hụt thương mại. Với mức cắt giảm thuế lên tới 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới cộng với 300 tỷ USD được Quốc hội duyệt chi nhằm ngăn chính phủ ngừng hoạt động cuối năm ngoái, tỷ lệ tiết kiệm nội địa ròng của Mỹ đang trên đường trở về 0, hay thậm chí là âm, nếu thâm hụt thương mại không kịp gia tăng để đáp ứng.
Nếu Mỹ thực sự nhằm vào Trung Quốc, quốc gia này sẽ phải tìm nguồn nhập khẩu ở 101 quốc gia đối tác khác, vốn có chi phí sản xuất cao hơn rất nhiều so với quốc gia được mô tả là công xưởng thế giới. Lợi bất cập hại, chính những gia đình Mỹ mà chính phủ Tổng thống Trump muốn bảo vệ sẽ là những người chịu tác động nhiều nhất khi hàng hóa đồng loạt tăng giá.
Ba cẩm nang đưa ra để giải quyết chiến tranh thương mại
Thứ nhất, đối thoại. Việc trao đổi quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là chìa khóa để giải quyết những khác biệt, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra. Một ban thư ký thường trực, bao gồm các chuyên gia cấp cao của hai nước, sẽ tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp của mối quan hệ này.
hứ hai: Tiếp cận thị trường. Cả Mỹ và Trung Quốc nên đặt ưu tiên cao vào việc phá vỡ bế tắc trong quá trình đàm phán hiệp định đầu tư song phương kéo dài suốt 10 năm qua. Đối với các công ty đa quốc gia của Mỹ, việc tiếp cận thị trường nội địa đang phát triển nhanh của Trung Quốc là cơ hội tăng trưởng lớn. Chiến dịch đầu tư toàn cầu của Trung Quốc cũng vậy.
Thứ ba: Sở hữu trí tuệ. Vấn đề chuyển giao công nghệ, bản chất của cuộc chiến về quyền sở hữu trí tuệ, cần được giải quyết triệt để. Để làm như vậy, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa việc chia sẻ tự nguyện và ép buộc để nắm quyền sở hữu. Trong thế giới dựa trên tri thức ngày nay, vấn đề này cần được làm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong những năm 1930, thuế bảo hộ và chiến tranh thương mại toàn cầu đã làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái, dẫn tới việc mất ổn định trật tự thế giới. Đáng buồn, một trong những bài học đau đớn nhất của lịch sử hiện đại đang có nguy cơ bị phớt lờ.