Thứ Hai | 17/06/2013 12:44

Trung Quốc và cuộc khủng hoảng thừa

Trung Quốc đối mặt với tình trạng dư thừa công suất ngày càng trầm trọng do trợ cấp và quan niệm cố hữu của doanh nghiệp.
Zhi Zhengrong trở thành “ông vua ngành năng lượng mặt trời” khi ông được bình chọn là người giàu thứ 5 Trung Quốc vào năm 2006. Tập đoàn Suntech của ông ồ ạt đưa ra thị trường các sản phẩm siêu rẻ và tìm cách đẩy đối thủ khỏi sân chơi.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Trung Quốc vẫn chưa thể đạt tới ngưỡng “không thể bị lật đổ”. Hồi tháng 3, Suntech chính thức đệ đơn xin bảo lãnh phá sản. Giá trị thị trường của tập đoàn từ 16 tỷ USD giờ chỉ còn khoảng 180 triệu USD. “Ông vua năng lương mặt trời” ngày nào giờ chỉ còn được gọi với cái tên đơn thuần chủ tịch tập đoàn.

Thực tế, ngành năng lượng mặt trời chỉ là một trong những ví dụ điển hình về tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Vấn đề này bắt nguồn từ các chính sách công nghiệp của Trung Quốc và việc trợ cấp của chính phủ. Các chính quyền địa phương muốn đổ nhiều tiền vào những ngành mà họ cho là sẽ thành công và qua đó đẩy nhanh nấc thang sự nghiệp của họ.

Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson – người có nhiều chuyến công du Trung Quốc cho rằng, tình trạng dư thừa công suất không chỉ xảy ra ở ngành thép, đóng tàu mà ở tất cả các ngành của Trung Quốc. Từ ngành hóa chất đến xi măng, sản xuất tivi màn hình phẳng, các ngành công nghiệp của Trung Quốc đều dư thừa công suất khiến lợi nhuận trong và ngoài nước đều giảm, đe dọa đến đà tăng trưởng của nước này.

s

Vấn đề này không hoàn toàn mới mà chỉ trở nên trầm trọng hơn do biện pháp ứng phó khủng hoảng tài chính 2008 của Trung Quốc khi chính phủ nước này đưa ra gói kích thích tới 650 tỷ USD. Tình hình càng trở nên tồi tệ bất chấp nỗ lực đối phó của chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc sản xuất gần 50% đồng và nhôm toàn cầu và chiếm 60% sản lượng xi măng toàn cầu. Sản lượng tiếp tục tăng nhanh ngay cả khi nền kinh tế hạ nhiệt. Tăng trưởng GDP năm 2012 của Trung Quốc chỉ đạt 7,8%, chậm nhất 13 năm, chỉ phục hồi nhẹ trong quý IV/2012 nhưng lại tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nay.

Giá nhôm giảm mạnh những năm gần đây và hơn 1 nửa doanh nghiệp sản xuất nhôm của Trung Quốc thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài buộc phải đóng cửa tại Trung Quốc. Bất chấp tình hình này, các lò luyện nhôm vẫn tiếp tục mọc lên trên khắp Trung Quốc. Tiêu thụ xi măng năm 2012 của Trung Quốc chỉ chiếm 2/3 sản lượng, theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc.

Với các nhà sản xuất trên hiệu ứng Trung Quốc suốt một thập kỷ qua là đáng lo ngại bởi nó ảnh hưởng đến thị trường việc làm, công suất sản xuất toàn cầu.

Tại Trung Quốc hình thành những công ty sản xuất giá rẻ, nhưng từng được một số nhà phân tích đánh giá có thể trở thành những tên tuổi ngang tầm Nokia, Ericsson và Motorola. Chính phủ Trung Quốc rót trợ cấp lớn đối với những công ty này với hy vọng có thể đưa họ thành những công ty tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, rốt cuộc, họ đã thua trong cuộc đua phát triển công nghệ mới, vẫn là những công ty tạo ra sản phẩm giá rẻ cấp thấp, không có sự khác biệt.

Một số nghiên cứu chỉ ra, khả năng thống lĩnh sản xuất toàn cầu của Trung Quốc ở một số ngành chủ yếu nhờ trợ cấp của chính quyền. Nghiên cứu của viện nghiên cứu, Usha and George tại Mỹ chỉ ra, trợ cấp mang lại khoảng 30% sản lượng ngành công nghiệp ở Trung Quốc và hầu hết doanh nghiệp được khảo sát có thể phá sản nếu không có trợ cấp. Ngoài trợ cấp tài chính, nhiều chính quyền địa phương còn hỗ trợ đất giá rẻ, tín dụng giá rẻ, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Tình trạng dư thừa công suất ở các ngành của Trung Quốc còn do quan niệm của doanh nghiệp rằng chính phủ nước này sẽ không bao giờ để tăng trưởng kinh tế xuống dưới 8% hay 9%. Tuy nhiên, hiện giờ, giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ dứt khoát hơn trong việc đối phó với dư thừa công suất so với các thế hệ trước, họ sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng chậm lại và đẩy nhanh chuyển dịch mô hình kinh tế.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện