Trung Quốc đã bổ sung thêm 37 lò phản ứng hạt nhân, nâng tổng số lên 55 lò. Ảnh: Eyevine.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 15/12/2023 10:05

Trung Quốc và "cuộc đua" xây dựng lò phản ứng hạt nhân

Nếu Trung Quốc muốn loại bỏ than đá và trung hòa carbon vào năm 2060, nước này cần một nguồn năng lượng thay thế khổng lồ.

Trong một nỗ lực "cai nghiện" nhập khẩu dầu và khí đốt, cùng với hy vọng loại bỏ các nhà máy điện đốt than bẩn, giới chức Trung Quốc đã đổ tiền vào năng lượng gió và mặt trời. Nhưng đồng thời, họ cũng đang chuyển sang một trong những dạng năng lượng không thể tái tạo bền vững nhất.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, trực thuộc liên hợp quốc, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã bổ sung thêm 37 lò phản ứng hạt nhân, nâng tổng số lên 55 lò. Trong cùng thời gian đó, Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới với 93 lò phản ứng, đã bổ sung thêm hai lò phản ứng.

Đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Trung Quốc không hề bỏ cuộc, quốc gia này đã lắp đặt từ 6-8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm. Một số quan chức dường như cho rằng mục tiêu này vẫn còn thấp. Cơ quan quản lý hạt nhân của nước này cho biết, Trung Quốc có khả năng bổ sung từ 8-10 nhà máy mỗi năm. Hội đồng Nhà nước (nội các Trung Quốc) đã phê duyệt việc xây dựng 10 lò phản ứng vào năm 2022. Nhìn chung, Trung Quốc có 22 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Sự phát triển của năng lượng hạt nhân đã bị đình trệ ở các nước phương Tây vì một số lý do. Các lò phản ứng đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn và mất nhiều năm để xây dựng. Ngành công nghiệp này được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho con đường phát triển năng lượng hạt nhân bằng cách cung cấp cho các công ty năng lượng nhà nước những khoản vay lãi suất thấp cũng như đất đai và giấy phép. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tất cả những điều này đã đẩy giá điện hạt nhân ở Trung Quốc xuống khoảng 70 USD/MWh, so với 105 USD ở Mỹ và 160 USD ở Liên minh châu Âu.

Trung Quốc không tránh khỏi những lo ngại về an toàn, vốn đã khiến nhiều người ở phương Tây phản đối năng lượng hạt nhân. Sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi của Nhật Bản năm 2011, Trung Quốc đã tạm dừng chương trình xây dựng. Nước này đã duy trì lệnh cấm đối với các nhà máy hạt nhân trên đất liền, vốn phải sử dụng nước sông để làm mát. Đầu năm nay, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển. Tuy nhiên, nhìn chung, năng lượng hạt nhân không khuấy động hay chia rẽ công chúng Trung Quốc như người dân ở các nước khác.

 

Đây thực chất là một điều tốt, bởi nếu Trung Quốc muốn loại bỏ dần than đá và trung hòa carbon vào năm 2060, thì nước này sẽ cần một nguồn năng lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của mình. Gió và mặt trời chưa phải là nguồn năng lượng thực sự phù hợp bởi phụ thuộc vào thiên nhiên.

Vào thời điểm sơ khởi, Trung Quốc đã nhập khẩu công nghệ hạt nhân. Họ vẫn phải dựa vào các nước khác để có uranium cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng. Nhưng hầu hết các lò phản ứng và dự kiến mới ​​đều dựa trên thiết kế của Trung Quốc, đặc biệt là Hualong One. Giờ đây nước này muốn xuất khẩu những công nghệ và thành phẩm này ra nước ngoài, cụ thể Trung Quốc đã thực hiện các thỏa thuận với Pakistan và Argentina. Với phần lớn thiết bị có nguồn gốc trong nước, chương trình của Trung Quốc không bị cản trở quá nhiều bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Biden, nhằm mục đích cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ tiên tiến có nguồn gốc từ Mỹ.

Trong khi đó, một số nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đã được uỷ thác việc phát triển phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các nhà máy nhiệt hạch không cần uranium và tạo ra ít chất thải phóng xạ hơn nhiều so với các nhà máy phân hạch. Nhưng công nghệ mới này được đầu tư nhằm mô phỏng hoạt động bên trong mặt trời để tạo ra nguồn cung cấp năng lượng vô tận.

Có thể bạn quan tâm:

 Rượu vang hảo hạng trở thành danh mục đầu tư siêu lợi nhuận

Nguồn The Economist