Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc chiến vực dậy nền kinh tế
Những vấn đề cụ thể mà 2 nước này đang đối mặt cũng rất khác nhau. Trung Quốc không muốn lặp lại sai lầm – như bong bóng bất động sản – mà nước này đã từng thực hiện để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Trong khi đó, Ấn Độ lại đang vật lộn để tiến hành cải cách kinh tế mà nước này từng thất bại trong những năm gần đây.
Từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng trung bình GDP của Trung Quốc đạt 10%, nhưng quan chức chính phủ cho rằng nước này không thể duy trì được tốc độ này. Tăng trưởng GDP quý I/2012 của Trung Quốc giảm xuống 8,1%, mức thấp nhất từ năm 2009, và dự đoán giảm tiếp còn 7,5% trong quý II năm nay. Nếu cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro vẫn kéo dài – hoặc các biện pháp kích thích của Trung Quốc không được triển khai hiệu quả - tăng trưởng của nước này có thể giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, so với thời điểm năm 2008, Trung Quốc hiện đang ở vị thế tốt hơn để giải quyết các vấn đề khó khăn. Tăng trưởng lệ thuộc ít hơn vào thương mại: Năm 2008, xuất khẩu ròng của Trung Quốc chiếm 7,7% GDP; năm 2011 tỷ trọng này giảm còn 2,6%. Lạm phát trong tháng 6/2012 giảm còn 2,2%.
Với nợ chính phủ chỉ chiếm 22% GDP, Trung Quốc có nhiều khả năng thực hiện các biện pháp kích thích nền kinh tế. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thừa nhận kinh tế Trung Quốc “đang chịu áp lực suy giảm” nhưng ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Phần lớn nền kinh tế Trung Quốc chịu sự chi phối mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể thực hiện các quyết sách kinh tế dễ dàng hơn – mặc dù hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang gây ra những vấn đề cho nền kinh tế khi Trung Quốc nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế dựa nhiều hơn vào cải tổ, cạnh tranh và doanh nghiệp tư nhân.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế. Để thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và xây dựng, chính phủ đã thông qua kế hoạch xây dựng hai nhà máy thép và nhiều dự án năng lượng. Về chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương Trung Quốc vài tuần qua đã 2 lần giảm lãi suất – động thái đầu tiên kể từ tháng 12/2008 – và tháng 5 vừa qua cũng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Rõ ràng, Trung Quốc còn nhiều khả năng để thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, thách thức thật sự đối với Trung Quốc là làm sao đảm bảo rằng không vung tay quá trán. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tăng đáng kể các khoản cho vay. Kết quả là một lượng tiền khổng lồ được đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản. Việc này một mặt giúp thúc đẩy tăng trưởng nhưng mặt khác khiến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt và làm xuất hiện bong bóng bất động sản - những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc mất 2 năm để giải quyết.
Mặc dù cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế tương tự Trung Quốc nhưng Ấn Độ lại có ít hơn giải pháp triển vọng. New Delhi đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế từ mức 5,3% - thấp nhất trong vòng 9 năm qua – trong quý I năm nay. Trong năm tài khóa vừa qua, thâm hụt ngân sách của Ấn Độ chiếm 5,8% GDP, vượt xa mục tiêu 4,6%, khiến nước này còn ít khả năng tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế. Nợ chính phủ ước tính chiếm 67,6% GDP.
Thách thức chính của Ấn Độ hiện giờ là kích thích đầu tư doanh nghiệp – nguồn vốn đầu tư này đang giảm mạnh do các công ty trong và ngoài nước lo ngại về quy định và chính sách thuế liên tục thay đổi. Năm qua, đồng nội tệ, rupee, liên tục mất giá so với đồng USD, một phần do nhà đầu tư ngày càng lo ngại về mức thâm hụt lớn tài khoản vãn lai của Ấn Độ, khoảng 4% GDP. Đồng rupee giảm giá làm tăng chi phí nhập khẩu và khiến lãi suất của các khoản vay ngoại tệ cao hơn.
Hồi tháng 4, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã lần đầu tiên trong 3 năm qua cắt giảm lãi suất, tạo động lực cho việc cấp tín dụng đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp tiếp tục mong đợi động thái tiếp theo thì Ngân hàng trung ương tuyên bố không thể cắt giảm hơn nữa lãi suất do lạm phát vẫn ở mức cao 7,6%.
Mới đây, Trung Quốc và Ấn Độ đều cam kết tham gia vào Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp giải quyết khủng nợ nợ Châu Âu. Theo đó, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỷ USD, trong khi Ấn Độ khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, việc cả 2 nước này có thể làm để giúp nền kinh tế toàn cầu là đưa nền kinh tế của mình trở lại quỹ đạo và tăng trưởng trở lại.
Nguồn WSJ/DVT