Thứ Năm | 28/08/2014 17:02
Theo Bank of America Merrill Lynch, Trung Quốc vừa đưa ra gói kích thích kinh tế mới, đáng chú ý nhất là việc nới lỏng hạn ngạch cho vay lại của NHTW.
Theo báo cáo mới được ngân hàng Bank of America Merrill Lynch công bố hôm nay 28/8, chính phủ Trung Quốc đã khởi động "vòng kích thích mini mới" để đối phó với "cơn gió ngược" trong tăng trưởng kinh tế.
Các biện pháp vừa đưa ra hướng tới hỗ trợ ngành nông nghiệp, kích thích đầu tư vào các công trình công cộng và cải thiện bảo vệ môi trường.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng hạn ngạch cung cấp tín dụng cho các ngân hàng với lượng tiền lớn hơn nhưng với mức lãi suất thấp hơn nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo thông tin trên website của mình, ngân hàng Bank of America Merrill Lynch tiết lộ cụ thể rằng, PBOC đã cung cấp hạn ngạch lên tới 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,26 tỷ USD) cho vay lại đối với các chi nhanh của ngân hàng này tại địa phương để sau đó, các ngân hàng này tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo để hỗ trợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cho vay lại (Re-lending) là một công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ được ngân hàng trung ương thực hiện để tăng tính thanh khoản cho các tổ chức tài chính và định hướng dòng chảy của tín dụng đến những khu vực cần thiết.
Bên cạnh hoạt động cho vay lại, các biện pháp khác trong gói kích thích kinh tế "mini" vừa được Trung Quốc đưa ra bao gồm: "thúc đẩy đầu tư vào các ngành năng lượng sạch và công trình công cộng, chẳng hạn như các cơ sở bệnh viện, nhà dưỡng lão và các trung tâm thể dục, và cam kết sẽ chuyển hướng mục tiêu về phía nhà ở xã hội và cam kết sẽ chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động bảo vệ môi trường", Ting Lu và Sylvia Sheng - 2 chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch viết trong bản báo cáo mới công bố.
Bank of America Merrill Lynch ước tính, các bước đi mới này sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng "khoảng 7,5%". Ngân hàng này cho biết dự báo tăng trưởng 7,4% cho nửa cuối năm nay của Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.
Một loạt các số liệu kinh tế đáng thất vọng từ sản xuất đến tăng trưởng tín dụng trong tháng vừa qua có thể đã làm gia tăng những lo ngại khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải áp dụng gói hỗ trợ kinh tế mới.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do HSBC khảo sát trong tháng 8 này đã giảm xuống 50,3 điểm từ mức đỉnh cao nhất 18 tháng là 51,7 điểm trong tháng 7, trong khi dự báo trước đó ở mức 51,5 điểm.
Ting Lu và Sylvia Sheng cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng sẽ ổn định trở lại trong những tháng tới nhờ các bước đi thể hiện nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ".
Vào năm ngoái, Trung Quốc cũng đã thực hiện chương tình kích thích kinh tế "mini" tương tự với các biện pháp như miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ xuất khẩu và tăng chi tiêu cho xây dựng đường sắt.
Gần đây nhất, trong tháng 4/2014 vừa qua Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt ở các khu vực kém phát triển phía tây và miền trung, với nguồn vốn từ việc bán một số trái phiếu trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 24 tỷ USD) trong năm nay. Theo các chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, đây cũng là một gói kích thích "mini" được Trung Quốc tiến hành.
Không giống với năm 2008 khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế cực lớn, hiện chính phủ Trung Quốc đang sử dụng hàng loạt các biện pháp kích thích nhỏ hơn và hướng vào cải cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ngăn đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và hướng tới các mục tiêu tăng trưởng bền vững.