Trung Quốc trước bờ vực khủng hoảng tài chính
Tốc độ tăng nợ trong hai năm vừa qua của Trung Quốc đã ngang ngửa với mức tăng của giai đoạn hai năm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi 2008. Tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 150% lên gần 260% trong hơn một thập kỷ qua. Sự gia tăng đột biến này thường sẽ đưa tới bờ vực khủng hoảng tài chính hoặc tăng trưởng kinh tế giảm tốc đột ngột. Trung Quốc chắc chắn sẽ không là ngoại lệ của quy luật này.
Các khoản nợ xấu tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, và đã chính thức chạm mốc 5,5% tổng dư nợ ngân hàng. Khoảng 40% số nợ mới là phần nợ lãi vay của các khoản vay hiện tại. Trong năm 2014, có 16% trong số 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất có nợ lãi vay còn cao hơn cả thu nhập trước thuế.
Trong khi đó, hiệu suất chuyển đổi của tín dụng tại Trung Quốc cũng đang đi xuống: giờ đây phải cần cho vay tới gần bốn đồng mới tạo ra được một đồng góp vào GDP, tăng đáng kể so với tỷ lệ gần như 1:1 ở thời điểm trước khủng hoảng tài chính. Nhờ sự trợ giúp của chính quyền, nợ có thể được giữ ở mức cao trong một vài năm nữa, nhưng không thể giữ được mãi mãi.
Khi các khoản nợ đến kỳ đáo hạn, kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu một cú sốc khá lớn. Thiệt hại từ việc đổ vỡ hệ thống tín dụng của Trung Quốc sẽ rất khó lường. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, còn lĩnh vực ngân hàng của nước này thì giữ vị trí số 1, với tổng tài sản tương đương 40% GDP toàn cầu. Thị trường chứng khoán nước này, ngay cả sau cú sốc "sập sàn" hồi năm ngoái, vẫn có tổng trị giá lên tới 6 nghìn tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Thị trường trái phiếu Trung Quốc trị giá 7,5 nghìn tỷ USD, là thị trường lớn thứ ba thế giới.
Nợ của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Ảnh: Economist |
Do đó, chỉ cần đồng nhân dân tệ mất giá 2% như hồi năm ngoái là đã có thể khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Tình trạng sụt giảm tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc đã gây ra đủ rắc rối cho các nước chuyên xuất khẩu hàng hóa như Brazil hay Úc, nhưng một cú "hạ cánh cứng" đột ngột chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng tới toàn cầu.
Dốc sức chống đỡ
Những người lạc quan đang tự trấn an bằng hai nhân tố. Thứ nhất, sau hơn ba thập kỷ cải cách, giới chức Trung Quốc đã liên tục cho thấy rằng một khi họ nhận ra sai lầm, họ sẽ có quyết tâm và kỹ năng để giải quyết vấn đề. Thứ hai, việc nhà nước Trung Quốc đồng thời sở hữu các ngân hàng lớn và hầu hết các con nợ lớn nhất sẽ cho phép họ có nhiều thời gian để xử lý vấn đề.
Nhưng hai niềm an ủi này đang mờ dần đi. Trung Quốc chưa có được hướng đi thích hợp để theo kịp tình hình. Tính trong năm vừa qua, Trung Quốc đã chi tới gần 200 tỷ USD để vực dây thị trường chứng khoán, nhưng lại có đến 65 tỷ USD tín dụng ngân hàng đã trở thành nợ xấu, trong khi gian lận tài chính đã làm gia tăng chi phí của nhà đầu tư thêm 20 tỷ USD.
Ngoài ra, 600 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi Trung Quốc trong năm 2015. Để cải thiện tăng trưởng, các giới chức địa phương lại tạo ra tiếp bong bóng bất động sản. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đang nhanh gấp đôi so với tăng trưởng kinh tế.
Quy mô hệ thống tài chính Trung Quốc so với thế giới. ảnh: The Economist |
Đồng thời, theo một báo cáo đặc biệt mới công bố gần đây của tờ The Economist, việc kiểm soát ngành tài chính đang dần tuột khỏi tay chính phủ Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực liên tục để gia tăng kiểm soát trở lại, việc quản lý các hình thức cho vay ngày càng lỏng lẻo.
Một dẫn chứng cụ thể là khối lượng "tài sản ngầm" của nước này đã tăng trên 30% mỗi năm trong vòng 3 năm qua. Về lý thuyết, hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking system) đóng vai trò đa dạng hóa các nguồn tín dụng và giúp giãn bớt rủi ro cho các ngân hàng thông thường. Nhưng trên thực tế, ranh giới giữa các ngân hàng ngầm và hệ thống ngân hàng chính thống đang dần mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Điều này sẽ hình thành nên hai rủi ro. Thứ nhất, các ngân hàng sẽ đối mặt với lỗ cao hơn dự kiến. Do đói lợi nhuận trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều ngân hàng Trung Quốc đã cố tình biến các khoản cho vay rủi ro thành các khoản đầu tư, để tránh bị kiểm soát và giảm bớt các yêu cầu về vốn. Các khoản cho vay ngầm này bằng khoảng 16% giá trị các khoản cho vay tiêu chuẩn tính đến giữa năm 2015, tăng 4 lần so với mức 4% của năm 2012.
Rủi ro thứ hai là tính thanh khoản. Các ngân hàng giờ đây phụ thuộc vào "các sản phẩm quản lý tài sản" hơn bao giờ hết, nói cách khác là họ trả lãi cao hơn để huy động các khoản tiền gửi ngắn hạn và biến chúng thành tài sản dài hạn. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc đã hạn chế tín dụng ngân hàng ở mức thấp hơn 75% tổng tiền gửi để đảm bảo có được lượng tiền mặt dự trữ. Nhưng giờ đây, tỷ lệ này thực tế đã lên gần 100%, ngưỡng có thể biến việc thiếu vốn trở thành hiện thực, và cũng là dấu hiệu kinh điển của một cuộc khủng hoảng sắp nổ ra. Các ngân hàng quy mô trung bình tại Trung Quốc là những nơi đã tích cực nhất trong việc mở rộng hoạt động cho vay, đồng thời cũng thuộc nhóm dễ gặp biến cố nhất.
Một hệ thống hỗn loạn
Cuộc khủng hoảng nợ của Trung Quốc cũng sẽ không hoàn toàn giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào trong lịch sử. Hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc rất lớn, nhưng may mắn là nó không cung cấp các sản phẩm phức tạp hoặc mang tầm quốc tế như các khoản thế chấp dưới chuẩn từng gây nên khủng hoảng tại Mỹ vào năm 2008.
Tính chất cách ly của hệ thống tài chính Trung Quốc cũng có nghĩa là khủng hoảng tại nước này sẽ không giống với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, khi mà các nước như Thái Lan cho đến Hàn Quốc đều đồng loạt vay mượn quá nhiều từ nước ngoài.
Nhiều người cũng lo ngại rằng khủng hoảng tại Trung Quốc sẽ giống với Nhật Bản những năm 1990, đẩy tăng trưởng từ từ lui dần về mức suy thoái. Nhưng hệ thống tài chính Trung Quốc lại hỗn loạn hơn, nhiều áp lực cho các luồng vốn tháo chạy hơn. Một cuộc khủng hoảng của Trung Quốc có thể sẽ còn mạnh và đột ngột hơn so với tình trạng trì trệ như của Nhật Bản.
Trung Quốc sẽ làm gì để giảm thiệt hại từ một cuộc khủng hoảng tài chính? - Ảnh: The Economist |
Có một điều chắc chắn là khi Trung Quốc càng trì hoãn việc tính toán chuyện giải quyết nợ nần thì hậu quả cuối cùng sẽ lại càng nghiêm trọng. Để bắt đầu, nước này cần lập kế hoạch phản ứng khi rơi vào tình trạng hỗn loạn. Việc phối hợp chính sách giữa các cơ quan nhà nước trong vụ sập sàn chứng khoán nước này hồi năm ngoái bị đánh giá là rất tồi tệ. Do đó, những nhà quản lý phải làm việc với nhau trước để xác định ai sẽ quản lý cái gì và chuẩn bị việc ứng phó khẩn cấp ra sao.
Thay vì nới lỏng tín dụng để giữ mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu 6,5% đề ra trong năm nay, chính phủ cũng nên giữ sức cho một đợt khủng hoảng thực sự. Ngân hàng Trung ương (PBOC) cũng nên tạm ngưng kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; điều đó sẽ chỉ làm cho các dòng vốn tháo chạy nhanh hơn và khiến cho hệ thống tài chính càng trở nên tồi tệ hơn.
Điều quan trọng nhất, Trung Quốc phải bắt đầu kiềm hãm đà tăng nợ, và không thể cứ tiếp tục giải cứu các ngân hàng và con nợ mãi được. Nước này nên chấp nhận việc cho đóng cửa các công ty thua lỗ, giải thể các ngân hàng yếu kém và đà tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ rất khó khăn, nhưng giờ đây sự thực là cũng đã quá muộn để Trung Quốc tránh khỏi thiệt hại. Điều quan trọng lúc nào sẽ tìm cách giảm thiểu mức thiệt hại, và tránh cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn nữa.
An Phong
Nguồn The Economist