Không gian nghĩa trang ảo ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 23/08/2023 15:28

Trung Quốc triển khai nghĩa trang kỹ thuật số để tiết kiệm không gian

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân sử dụng hình thức "chôn cất xanh" trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và dân số già.

Để giải quyết tình trạng dân số già hóa và khan hiếm đất đai, chính quyền Bắc Kinh thực hiện "cách mạng hóa" ngành công nghiệp tang lễ, khuyến khích người dân tưởng niệm người thân đã khuất thông qua triển khai mô hình nghĩa trang ảo.

 

Cô Zhang Yin, 40 tuổi sống tại Bắc Kinh, đã chọn nghi thức chôn cất ở nghĩa trang ảo sau khi có người thân vừa qua đời. Cô chia sẻ, tro cốt của người thân được cất giữ trong một ngăn tủ ở một căn phòng lớn tại nghĩa trang Taiziyu (Bắc Kinh), gần giống như hộp ký gửi tại ngân hàng. Sau đó, một màn hình điện tử sẽ hiển thị hình ảnh và video của người quá cố thay cho bia mộ truyền thống. Đây là một cách để tiết kiệm diện tích đất với giá cả phải chăng cũng như đáp ứng nhu cầu tổ chức tang lễ hiện đại của các gia đình Trung Quốc.

“Các nghĩa trang truyền thống đều ở ngoài trời, ngày ngày tiếp xúc với gió bụi và nắng. Và nếu các gia đình dẫn con trẻ đến đây, chúng cũng sẽ chỉ nhìn thấy những ngôi mộ trơ trọi, chẳng có ý nghĩa gì với chúng. Trong khi đó tại nghĩa trang Taiziyu, các gia đình có thể cùng nhau xem lại hình ảnh của người thân quá cố để tưởng nhớ”, cô Zhang nói thêm.

Chính phủ Trung Quốc đang triển khai thử nghiệm hình thức chôn cất mới trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng đô thị hóa quá nhanh và dân số già. Quốc vụ viện cho biết sẽ có giải pháp nhằm giảm tổng diện tích đất các nghĩa trang công cộng xuống còn khoảng 70% vào năm 2035, đồng thời thúc đẩy các hình thức chôn cất khác để tiết kiệm không gian.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng sự thay đổi này là bước ngoặt cần thiết để bảo tồn diện tích đất và tiết kiệm chi phí. Dân số hiện tại của Trung Quốc là 1,4 tỉ dân, dẫn đầu thế giới về nhu cầu dịch vụ tang lễ, với quy mô thị trường năm 2020 là 35,6 tỉ USD. Theo dự đoán của công ty tư vấn Huaon Ican, mức quy mô có thể tăng lên 56,32 tỉ USD vào năm 2026.

Được biết, Bắc Kinh không phải là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc khuyến khích tổ chức tang lễ theo hình thức kỹ thuật số. Tháng 8/2022, thành phố Thượng Hải đã khai trương một nghĩa trang kỹ thuật số, với dịch vụ tưởng niệm trực tuyến người quá cố thông qua một cuộn phim.

Một tang lễ kỹ thuật số có giá trung bình vào khoảng 7.700 USD, chỉ bằng 1/3 chi phí chôn cất truyền thống. Theo báo cáo từ SunLife, để mua được một chỗ chôn cất truyền thống ở thủ đô Bắc Kinh cần chi phí lên đến 22.000 USD. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 500 ngôi mộ kỹ thuật số được bán tại Bắc Kinh.

Không gian tổ chức lễ tưởng niệm ảo tại nghĩa trang kỹ thuật số. Ảnh: Bloomberg.
Không gian tổ chức lễ tưởng niệm ảo tại nghĩa trang kỹ thuật số. Ảnh: Bloomberg.

Hình thức nghĩa trang kỹ thuật số đồng thời giúp tiết kiệm không gian, thuận tiện để đến thăm và tưởng nhớ người thân đã khuất. Một nghĩa trang ảo rộng khoảng 20 m2, có thể lưu giữ tro cốt của hơn 150 người. Ngược lại với nghĩa trang truyền thống chỉ có thể đủ không gian cho 6 ngôi mộ truyền thống. 

Nghĩa trang kỹ thuật số là giải pháp “chôn cất xanh” thay thế cho nghi thức chôn cất truyền thống. Khi diện tích ở Trung Quốc ngày càng trở nên chật hẹp hơn vì dân số đông, nghĩa trang ảo trở thành lựa chọn để bảo tồn đất đai, đồng thời giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn cho những người muốn tưởng nhớ người thân. Nhìn về khía cạnh lâu dài, một nghĩa trang ảo còn có khả năng sao chép giọng nói, chân dung và tương tác của người đã khuất, cho phép các thế hệ sau tìm hiểu và kết nối với thế hệ trước.

Có thể bạn quan tâm:

Quỹ đầu tư Na Uy lãi 143 tỉ USD nhờ sự bùng nổ của A.I

Nguồn Bloomberg