Đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 22 cảng LNG đang hoạt động, với tổng công suất tiếp nhận là 92,27 triệu tấn.

 
Gia Khánh Thứ Bảy | 15/10/2022 17:15

Trung Quốc tích cực phát triển hệ thống kho cảng LNG

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2021.

Trung Quốc đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) - bao gồm các trạm tiếp nhận và kho lưu trữ - động thái này diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc ký nhiều hợp đồng nhập khẩu LNG dài hạn với các nhà cung cấp quốc tế, trong bối cảnh mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng.

Bà Anne- Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết: “Trung Quốc là một trong những quốc gia đang xây dựng rất nhiều kho cảng LNG. Bên cạnh một số đang được xây mới thì cũng có nhiều trạm cũ đang được mở rộng”.

Cuối tháng trước, một tàu sân bay từ Qatar đã chuyển 210.000m3 LNG đến một trạm chứa tại Cảng Năng lượng xanh Diêm Thành ở phía đông tỉnh Giang Tô, bắt đầu hoạt động của cơ sở dự trữ LNG lớn nhất Trung Quốc này, theo chính quyền địa phương.

Cảng LNG mới là một minh chứng về việc Diêm Thành thực hiện triệt để chiến lược an ninh năng lượng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chiến lược do ông Tập đưa ra vào năm 2014 nhằm cách mạng hóa việc tiêu thụ, cung cấp, công nghệ và hệ thống năng lượng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng quốc tế. Giới chức trách nước này cũng đã nhiều lần cảnh báo về an ninh năng lượng trong hai năm qua, đặc biệt là khi nền kinh tế thứ hai thế giới liên tục đối mặt các cuộc khủng hoảng thiếu điện.

 

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2021-25, của nước này về các hệ thống năng lượng hiện đại, việc tăng cường xây dựng các cơ sở lưu trữ LNG là một trong những chìa khóa để cải thiện nguồn cung cấp năng lượng linh hoạt của Trung Quốc.

“Trung Quốc là một nước lớn có thị trường khí đốt khổng lồ - có thể tương đương với quy mô của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022. Vì vậy, không có gì lạ khi nước này đầu tư nhiều vào kho cảng LNG”,  bà Corbeau nói. “Để cung cấp khí đốt cho các khu vực khác nhau, sở hữu nhiều cơ sở LNG trên khắp cả nước là điều cần thiết, để có nhiều điểm tiếp nhận hơn và cung cấp khí đốt tốt hơn cho các khu vực khác”.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2021, và các công ty Trung Quốc đã ký một số hợp đồng dài hạn kỷ lục với các nhà cung cấp trong hai năm qua, trong đó có nhiều công ty đến từ Mỹ 

“Từ quan điểm an ninh nguồn cung, việc gia tăng công suất lưu trữ LNG phòng các rủi ro xảy ra với nguồn cung, như trường hợp của Châu Âu với Nga, cũng rất hợp lý.” bà Corbeau nói thêm.

Khí tự nhiên cũng đang được coi là một loại nhiên liệu chuyển tiếp khi Bắc Kinh nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào than đá, đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của nước này, Trung Quốc sẽ nâng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong tiêu thụ năng lượng nội địa từ dưới 10% hiện nay lên 15% vào năm 2030.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 78,93 triệu tấn LNG, chiếm khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ trong nước. Ảnh: Reuters.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 78,93 triệu tấn LNG, chiếm khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ trong nước. Ảnh: Reuters.

Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường cơ sở hạ tầng LNG của mình trong những năm gần đây, công suất bổ sung vẫn rất quan trọng, vì sản xuất phải được điều chỉnh theo mùa để đáp ứng các mức nhu cầu khác nhau, đặc biệt là trong những tháng lạnh nhất, theo báo cáo hồi tháng 5 của Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải.

Các nhà phân tích cho biết, khả năng lưu trữ LNG lớn hơn tại các cảng tiếp nhận - đặc biệt là ở các khu vực kho ngoại quan, nơi khí nhập khẩu có thể được lưu trữ mà không phải trả thuế - cũng sẽ cho phép các công ty Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào thương mại LNG toàn cầu bằng cách tăng quy mô tái xuất khẩu.

Trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước đang giảm dần trong bối cảnh đất nước còn theo đuổi chính sách zero-COVID, các công ty năng lượng Trung Quốc đã bán lại lượng LNG dư thừa trên thị trường quốc tế để tận dụng sự chênh lệch giá giữa các hợp đồng dài hạn và giá giao ngay tăng cao do chiến tranh Ukraine.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tái xuất lượng LNG kỷ lục trị giá 164 triệu USD sang châu Âu - bao gồm Tây Ban Nha, Pháp và Malta - và thêm 284 triệu USD LNG sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Trung Quốc chỉ xuất khẩu LNG trị giá 7 triệu USD vào năm ngoái.


Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%

Nguồn SCMP