Thứ Ba | 28/08/2012 08:38

Trung Quốc thực sự muốn dòng tiền chảy ra

Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đang tăng mạnh khi niềm tin vào nền kinh tế này giảm. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu tốt cho Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc thâm hụt tài khoản vốn tới 20,3 tỷ USD, trong khi kho dự trữ ngoại hối chỉ tăng 63,6 tỷ USD lên 3,24 nghìn tỷ USD, hay thấp hơn 77% so với lượng bổ sung vào nửa đầu 2011.

Tuy nhiên Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết, điều này không đồng nghĩa với tình trạng bốc hơi nguồn vốn. Trái lại, nó phản ánh sự thay đổi hoạt động ngoại hối từ ngân hàng trung ương sang các định chế tài chính và các cá nhân đầu tư trong nước.

Từ tháng 1 đến tháng 6 vừa qua, Trung Quốc thu về hơn 79 tỷ USD sau khi trừ đi chi phí cho các giao dịch qua bên giới, tuy nhiên, giá trị ngoại tệ hoán đổi ra nhân dân tệ tại các ngân hàng lớn hơn lượng nhân dân tệ đổi ra ngoại tệ 29,5 tỷ USD.

Điều này trái ngược hoàn toàn với giai đoạn từ 2003 đến 2011 khi hầu hết doanh nghiệp và tư nhân muốn hoán đổi ngoại tệ sang các tài sản bằng nhân dân tệ do dự báo nhân dân tệ sẽ tăng giá, chuyên gia nguyên cứu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc Zhang Bin nhận định.

Tuy nhiên, hiện tại, nhân dân tệ biến động theo cả hai chiều do đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư không còn nắm giữ nhân dân tệ nhiều như trước. Các doanh nghiệp bắt đầu nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn.

Giá trị các giao dịch và doanh số bán ngoại hối của các ngân hàng Trung Quốc giai đoạn 2011-2012.
Dòng vốn chảy ra là kết quả quả quá trình điều chỉnh nói trên, không giống với hiện tượng bốc hơi thông thường khi nhà đầu tư mất niềm tin vào các nền tảng kinh tế của một quốc gia và chuyển các khoản đầu tư ra bên ngoài do lo ngại tình hình sẽ xấu đi.

Mức độ sẵn sàng giữ USD thay vì nhân dân tệ ngày càng tăng của nhà đầu tư cũng lý giải tại sao dự trữ ngoại hối của Trung Quốc nửa đầu năm nay tăng chậm hơn năm ngoái, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics, ông Wang Qinwei nhận định. Ông này nói thêm, hiện tượng “bốc hơi nguồn vốn” ở Trung Quốc không đáng lo ngại bởi một lượng lớn ngoại tệ vẫn do doanh nghiệp và người dân Trung Quốc nắm giữ.

Thật vậy, lượng tiền gửi bằng ngoại tệ ở các ngân hàng Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay, đạt trên 137 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, dữ liệu của SAFE cho biết. Con số này tăng 47,5% so với cả năm 2011 và cao hơn 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, đồn bẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  Trung Quốc giảm kể từ tháng 11 năm ngoái. Kết quả là, chênh lệch giữa FDI vào và ra thấp, khiến đóng góp vào dự trữ ngoại hối giảm.

FDI vào Trung Quốc giảm một phần do môi trường bên ngoài, một phần do các yếu tố nội tại Trung Quốc. Ví dụ, chi phí nhân công tăng là lý do tại sao Trung Quốc mất dần sức hấp dẫn của một công xưởng hàng đầu thế giới.

Chi phí nhân công tăng khiến các hãng sản xuất chuyển dần hoạt động sang các thị trường khác như việt Nam, Thái Lan với nguồn cung lao động dồi dào giá rẻ. Ngoài ra, chính sách kiềm chế bất động sản cũng hạn chế nguồn vốn đổ vào khu vực dịch vụ Trung Quốc.

Sự thay đổi về hướng chuyển động của dòng vốn gây lo ngại sự thiếu hụt thanh khoản thị trường nội địa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, đây có thể là dấu hiệu tốt bởi nó giúp ngân hàng trung ương hạn chế phải can thiệp vào thị trường ngoại hối và vẫn có thể sử dụng các công cụ thay thế như can thiệp thị trường mở để điều chỉnh chính sách.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng có thể coi là biện pháp hữu hiệu để tăng cường thanh khoản. Theo ước tính của chuyên gia, nếu hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 6%, mức thiết lập cách đây 10 năm, Trung Quốc có thể bù đắp lại khoảng 1,9 nghìn tỷ nhân dân tệ chảy ra. Tuy nhiên, giả thiết bốc hơi nguồn vốn với quy mô lớn như thế này hầu như không thể xảy ra trừ khi xuất hiện khủng hoảng kinh tế hay chính trị ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của tầng lớp trung lưu.

Nguồn Marketwatch/Khampha


Sự kiện