Trung Quốc thông tuyến đường sắt với Afghanistan
Trong tuần qua, chuyến xe lửa đầu tiên đến từ Trung Quốc đã cập ga Hairatan tại miền Bắc Afghanistan. Với chính phủ của ông Tập Cận Bình, đây là một bước tiến trong dự án xây dựng con đường tơ lụa mới. Còn với chính phủ Afghanistan của tổng thống Ashraf Ghani, đây là một phần trong giấc mơ biến quốc gia này thành một điểm trung chuyển vận tải lớn của châu Á.
Hiện tại, Trung Quốc đã là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Afghanistan, cũng như là đối tác thương mại lớn thứ 5 tại nước này. Việc thông tuyến đường sắt giữa 2 nước sẽ “làm giảm giá nhập khẩu hàng Trung Quốc, và tăng cường thương mại song phương, hiện đang có kim ngạch vài chục triệu USD”, theo nhận định của Azarakhsh Hafizi, trưởng ban quan hệ quốc tế tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Afghanistan (ACCI).
Chuyến tàu đầu tiên đi thẳng từ Trung Quốc đến Afghanistan chỉ cần mất 2 tuần là đến nơi, một bước cải thiện cực kỳ lớn so với hành trình đường bộ mất 3-6 tháng trước đây và còn phải trung chuyển ở Pakistan. Các lô hàng trên tàu có trị giá 4 triệu USD, bao gồm vải, quần áo và vật liệu xây dựng.
Theo Musafer Quqandi, người phát ngôn cho Bộ Công thương Afghanistan, các chuyến tàu từ Trung Quốc sẽ hoạt động với tần suất 2 chuyến / tháng, với tải trọng 45 container.
Xe lửa có thể chạy thằng từ thành phố Nam Thông ở bờ Đông Trung Quốc tới Hairatan ở Afghanistan. Ảnh: Bloomberg |
Việc xây dựng đường sắt nối liền với Afghanistan là một phần quan trọng trong chiến lược tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới của Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã nuôi ý định đầu tư lớn vào Afghanistan, vốn có tổng trữ lượng khoáng sản có thể có giá trị lên đến 3.000 tỷ USD. Tập đoàn luyện kim quốc gia Trung Quốc (MCC) đã được cấp phép khai thác mỏ đồng lớn nhất Afghanistan hồi năm 2007, còn Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thì giành được một hợp đồng khoan dầu hồi năm 2011.
Về phần Afghanistan, nước này đang có kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, với nhiều sản phẩm quý hiếm như saffron, đá cẩm thạch, đá xanh lapis lazuli và len cao cấp Kurk. Đổi lại, Afghanistan phải nhập khẩu tới 90% các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, vải vóc, hàng điện tử, dầu khí và vật liệu xây dựng. Theo Mohammad Rafi Amiri, giám đốc công ty thương mại Harirod Logistical, tuyến đường sắt mới có thể làm giảm 30% chi phí nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc phát triển các cơ hội làm ăn tại Afghanistan vẫn còn nhiều rào cản lớn. Theo Dhruva Jaishankar, chuyên gia quan hệ quốc tế tại chi nhánh Ấn Độ của Brookings Institution thì Trung Quốc có 2 trở ngại: “Đầu tiên là việc ổn định tình hình an ninh tại Afghanistan, thứ hai là tính khả thi về mặt thương mại.”
Tại nhiều vùng lãnh thổ của Afghanistan, chính phủ trung ương ở Kabul vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giành quyền kiểm soát từ tay các lực lượng phiến quân và khủng bố. Chỉ trong tháng 7/2019, đã có ít nhất 35 doanh nhân bị bắt cóc ở nước này.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg