Trung Quốc theo đuổi tham vọng xây đường sắt tại Lào và Thái Lan
Sau nhiều năm thảo luận, cuối cùng dự án xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc xuyên suốt các nước trong khu vực Đông Nam Á do Trung Quốc đề xuất đang bắt đầu trở thành hiện thực. Tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ thành phố Côn Minh của Trung Quốc, từ đó đi xuyên qua Lào, Thái Lan và đến điểm cuối tại Singapore.
Mở đường sang Lào
Vào ngày 2/12/2015, Trung Quốc và Lào đã khởi công xây dựng đoạn đường sắt dài 427 km từ thành phố cửa khẩu Mohan của Trung Quốc tới thủ đô Viên Chăn của Lào. Tổng số vốn thực hiện dự án này ước tính là 8,7 tỷ USD, trong đó có 70% sẽ đến từ Trung Quốc, và thời gian dự kiến hoàn thành là trong vòng 4 đến 5 năm. Để thực hiện được dự án này, hai phía Lào và Trung Quốc đã mất tới 10 năm đàm phán.
Theo dự kiến, công trình này sẽ cần tới 100.000 công nhân. Hiện tại, người Lào không có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án tầm cỡ như thế này, vì vậy có khả năng đa số công nhân sẽ là người Trung Quốc. Vào hôm 11-1, tờ Thời báo Viên Chăn (Vientiane Times) đã đưa tin rằng sẽ có "một lượng đáng kể công nhân Trung Quốc", cũng như cho biết rằng sẽ có nhiều người Lào được gửi sang Trung Quốc để học kỹ năng quản lý xây dựng và vận hành đường sắt.
Tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á từng bước được thực hiện |
Nhìn chung, việc xây dựng tuyến đường sắt này là bước tiếp theo trong thế trận ngoại giao với Lào của người Trung Quốc. Vào tháng 11-2015, Trung Quốc đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho Lào phóng được vệ tinh đầu tiên của nước này là LaoSat1, với cái giá 258 triệu USD.
Tiến vào Thái Lan
Trong tháng 1 này, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thuyết phục các lãnh đạo Thái Lan chấp nhận việc triển khai một dự án đường sắt trị giá 14,65 tỷ USD, mặc dù một số điều khoản của dự án này vẫn chưa được thỏa thuận xong.
Trước đó vào tháng 12/2014, 2 bên đã ký một bản ghi nhớ sẽ xây dựng một tuyến đường sắt dài 850 km nối liền Vientiane với Bangkok, và sau đó đi về phía Đông tới khu công nghiệp Map Ta Phut. Tuy nhiên, việc xây dựng đã bị trì hoãn nhiều lần do nhiều điều khoản của dự án chưa thực sự thống nhất.
Theo ước tính sơ bộ ban đầu, chi phí của dự án ước đạt khoảng 11,06 tỷ USD, và một phần của số vốn này sẽ được phía Trung Quốc hỗ trợ với lãi suất ưu đãi là 2,5%. Tuy nhiên, tới hôm 19/1, Bộ trưởng Giao thông vận tải của Thái Lan là Arkhom Termpittaya-paisith cho biết Trung Quốc đã đồng ý hạ lãi xuất xuống còn 2%.
Ông Ruth Banomyong, chuyên gia trong ngành logistics và là giáo sư tại Đại học Thammasat ở Bangkok, nhận định dự án đường sắt tại Lào về cơ bản là một dự án chìa khóa trao tay (turnkey). Tuy nhiên, đối với dự án tại Thái Lan thì người Thái muốn có nhiều quyền quyết định hơn trong khâu xây dựng.
"Xét về mặt logic thì Trung Quốc muốn có một tuyến đường xuyên Đông Nam Á từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên họ khó có thể lựa chọn giải pháp đi xuyên qua Việt Nam hay Myanmar, thế nên giải pháp được lựa chọn là đi qua Lào và Thái Lan", đó là nhận định từ bà Yun Sun, chuyên gia của trung tâm nghiên cứu quốc tế Stimson tại Mỹ.
Giáo sư Ruth cũng đưa ra lời cảnh báo rằng tuyến đường sắt có thể trở thành gánh nặng cho Lào. "Hệ thống đường sắt có thể là nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng, nhưng những lợi ích sẽ không xuất hiện ngay. Do đó, mạng lưới đường sắt này sẽ là một gánh nặng trong những năm đầu", ông nói. Bình luận về một tít báo gần đây trên tờ Bangkok Post là "Bangkok sẽ trở thành trung tâm đường sắt của Trung Quốc", ông Ruth nói: "Đây rõ ràng là một dự án của Trung Quốc, và nó sẽ diễn ra theo cách mà người Trung Quốc muốn".
Nguyệt Nhi
Nguồn ST