Thứ Ba | 10/07/2012 11:24

Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất máy bay của Mỹ

Hawker Beechcraft, nhà sản xuất máy bay phản lực thuộc sở hữu của Goldman Sachs và Onex, sẽ được công ty hàng không Trung Quốc mua lại với giá 1,79 tỷ USD.
Thỏa thuận bán lại trong tương lai cho hãng sản xuất hàng không vũ trụ Superior Aviation Beijing có thể đảm bảo tương lai cho Hawker Beechcraft khi công ty này chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay. Superior hôm qua 9/7 tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hoạt động hiện tại của Hawker Beechcraft (HBC).

Hawker Breechcraft là nhà sản xuất máy bay phản lực cánh quạt hàng đầu thế giới ra đời vào năm 1994, có trụ sở ở Wichita, Kansas, Mỹ cùng nhiều cơ sở trên toàn thế giới. Ngoài việc sản xuất máy bay phi cơ dân dụng, Hawker còn hợp tác với Không lực Mỹ chế tạo nhiều máy bay thế hệ King Air phục vụ cho quân đội.

Trong các năm từ 2006 đến 2010, HBC từng giữ vị trí hàng đầu về chuyển giao tàu bay thương gia tại thị trường Trung Quốc với 33% thị phần chuyển giao. Vào cuối năm 2010, trong tổng số máy bay thương gia tại thị trường Trung Quốc thì HBC chiếm 18%.

Trong năm 2007, Goldman Sachs và Onex, một công ty cổ phần tư nhân của Canada, đã hợp tác mua Hawker Beechcraft với giá 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, điều Goldman Sachs và Onex làm được cho Hawker chỉ là chất đầy thêm các khoản nợ lên đầu hãng máy bay này.

Ngành công nghiệp máy bay phản lực phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tính từ năm 2007 đến 2011, doanh số bán hàng toàn cầu của ngành công nghiệp máy bay nói chung đã giảm mạnh từ 4.272 chiếc xuống còn 1.865 chiếc, góp phần đẩy Hawker vào thảm cảnh vỡ nợ.

Trong tháng 5, Hawker đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 Luật phá sản Mỹ. Công ty cũng bắt đầu xem xét nhiều lựa chọn, bao gồm tiếp tục hoạt động kinh doanh một cách độc lập hoặc chấp nhận bị mua lại. Kế hoạch tái tổ chức trong tháng 6 giúp các chủ nợ nắm quyền kiểm soát công ty và hủy bỏ số cổ phần thuộc quyền sở hữu của Goldman Sachs và Onex.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của Hawker, Robert Miller, quyết định bán lại công ty cho Superior là do công ty Trung Quốc này đã chứng minh được khả năng nhanh chóng khôi phục hoạt động sau khi nộp đơn xin phá sản.

"Superior từ lâu đã quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh máy bay phản lực của Hawker Beechcraft. Công ty Trung Quốc này đã có bước tiếp cận Hawker từ vài năm trước và được coi là đối tác chiến lược tiềm năng của công ty", ông Miller nói.

Việc ký kết hợp đồng với Superior cũng giúp Hawker có cơ hội tiếp cận lớn hơn tới các doanh nghiệp Trung Quốc và thị trường hàng không nói chung, được sự báo sẽ tăng trưởng hơn 10% trong 10 đến 15 năm nữa, ông Miller cho biết.

Theo Hawker, 40% cổ phần của Superior hiện là thuộc quyền sở hữu của chính quyền thành phố Bắc Kinh.

Thỏa thuận lần này với Superior sẽ không bao gồm đơn vị nghiên cứu quốc phòng của Hawker. Đây là đơn vị đã sản xuất ra T-6 turboprops, chuyên dùng để đào tạo phi công cho Không lực Mỹ. Hiện tại, phân mảng kinh doanh này của Hawker vẫn đem lại lợi nhuận so với các công ty sản xuất máy bay phản lực khác như Textron và Mahindra.

Superior sẽ có 45 ngày để thẩm định Hawker và phải thực hiện thanh toán để hỗ trợ công ty trong thời gian đó. Nếu hai bên đồng ý đàm phán thỏa thuận, hợp đồng vẫn phải đợi sự chấp thuận của tòa án phá sản Mỹ.

Nếu không đạt được thỏa thuận với đối tác Trung Quốc, Hawker Beechcraft sẽ yêu cầu tòa án phê duyệt kế hoạch tái tổ chức trình lên trong tháng 6.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện