Trung Quốc thắng lớn khi Brexit?
Trong ngắn hạn, nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng do sự hỗn loạn tại EU - đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc. Thị trường châu Âu nhỏ hơn và kém ổn định cùng với người tiêu dùng có ít tiền mặt hơn không phải là tin tốt đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, song về lâu dài, việc Anh ra khỏi EU (Brexit) gần như chắc chắn đem về nhiều lợi ích kinh tế và chính trị cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Ngay cả khi còn trọn vẹn, EU từng gặp khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc. Giờ đây, khi rạn vỡ, EU khó có thể tạo ra sức đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hãy nhớ lý do hình thành EU. Những người ủng hộ muốn nhấn mạnh nhiệm vụ của liên minh này là thúc đẩy hòa bình và dân chủ. Thực tế hơn, mục tiêu then chốt của việc hợp nhất là nâng cao ảnh hưởng của khu vực này trong nền kinh tế toàn cầu.
Các nước EU hiểu rằng họ sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu thành lập một thị trường chung với thể chế và đồng tiền khu vực so với khi cạnh tranh với tư cách độc lập. Châu Âu hy vọng sẽ tăng trưởng từ tập hợp các nước giàu có nhưng hay tranh cãi thành một khối kinh tế khổng lồ sánh ngang với Mỹ và gần đây Trung Quốc.
Trong thực tế, châu Âu gặp nhiều khó khăn trên con đường thực hiện ý tưởng. Chủ nghĩa dân tộc dai dẳng nhiều lần giới hạn khả năng tạo nên một mặt trận chung cả về vấn đề địa chính trị và thương mại.
Về lý thuyết, với "phiên bản đầy đủ", EU sử dụng sức mạnh đáng kể để tiến vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh công bằng trong thương mại. Thay vì làm như vậy, các nước châu Âu thường lãng phí lợi thế bằng việc cạnh tranh với nhau để giành được ưu đãi và đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Anh David Cameron vui mừng với chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Bắc Kinh nhằm kiếm tìm thỏa thuận kinh doanh dành riêng cho họ.
Hiện tại, các cơ hội phân chia và chinh phục của Trung Quốc sẽ gia tăng khi mà nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu đã chọn con đường của riêng họ.
Các doanh nghiệp châu Âu lẽ ra có nhiều lợi thế hơn nếu EU có thể thực thi một chính sách chung đối với quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi các công ty Trung Quốc "tung hoành" tại những thị trường lớn ở châu Âu - thậm chí mua cổ phần của các câu lạc bộ bóng đá lớn, trong một chuyến thăm gần đây đến Bắc Kinh, bà Merkel đã để lỡ những gì mà các công ty nước ngoài đáng được hưởng, những đặc quyền và quyền như các công ty nội địa của Trung Quốc. Nếu bà Merkel và ông Cameron cùng các lãnh đạo khác tại châu Âu chung tay đấu tranh cho những quyền lợi cùng nhau, họ sẽ thành công nhiều hơn.
Giờ đây, thay vào đó, một thị trường chung bị thu hẹp ở châu Âu sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của các công ty trong khối. Các công ty châu Âu, từ những ngân hàng lớn tới các công ty khởi nghiệp về công nghệ, có thể phải chịu lép vế so với những công ty đến từ Trung Quốc.
Về chính trị cũng vậy. Brexit có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia với dân số hơn 1,3 tỷ dân. Một EU thống nhất có thể kìm hãm tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, họ khiến quốc gia này trở nên mạnh hơn. Điển hình và việc Trung Quốc thiết lập một ngân hàng đối trọng với Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái. Một số nước châu Âu cũng tham gia vào ngân hàng này và phá hoại mọi hy vọng của Mỹ về việc tìm kiếm sự nhượng bộ từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bằng việc lựa chọn “ra đi”, cử tri Anh đã chứng minh một cái nhìn thiển cận về cách thế giới đang thay đổi và những khó khăn đối với bất kỳ nước nào có tham vọng toàn cầu nhưng lại hành động đơn lẻ. Với Brexit, cả Anh lẫn EU đang mất đi nhiều hơn so với một mối quan hệ đối tác. Họ đang đánh mất cơ hội tốt nhất để đóng vai trò trong một trật tự thế giới đang thay đổi rất nhiều.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg