Thứ Năm | 22/11/2012 13:18

Trung Quốc tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực dịch vụ

Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng do FDI vào khu vực sản xuất giảm nhưng chính sách của Trung Quốc vẫn cho thấy những bước đi đúng hướng.
Theo một nghiên cứu gần đây của Reuters, các nhà đầu tư đang đổ vào Trung Quốc hơn 100 tỷ USD xây dựng các cửa hàng để đón đầu thị trường tiêu thụ tiềm năng hơn 1 tỷ dân này dù trước mắt nơi đây còn một số vấn đề.

Đầu tiên là chi phí lao động tăng làm nhiều đơn vị rời bỏ thị trường dồi dào lao động này. Mức lương thấp nhất tại Trung Quốc vào thời điểm hiện tại dao động từ 870 nhân dân tệ (140 USD) tới 1500 nhân dân tệ (240 USD). Trong khi đó, tại Việt Nam, con số tương ứng chỉ hơn 1 triệu đồng (50 USD).

Vì vậy, một số công ty toàn cầu đã cắt giảm hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và chuyển đi nơi khác. Đơn cử, công ty sản xuất đồ thể thao Adidas vừa qua đã đóng cửa cơ sở sản xuất của mình tại Trung Quốc.

Theo dự báo từ Ủy ban thương mại và phát triển của Liên hợp quốc, tổng lượng vốn FDI đổ vào thị trường đông dân nhất thế giới từ năm 2007 đến nay lên tới khoảng 625 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm, lượng vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm gần 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, khi đối sánh, những quốc gia kỳ vọng sẽ nhận được đầu tư lớn khi các nhà sản xuất rời bỏ thị trường Trung Quốc như Việt Nam, Bangladesh, Indonesia và Thái Lan, chỉ nhận được tổng cộng hơn 140 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian, kém hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Tiếp theo, cùng với lượng vốn lớn là hiện tượng đồng nhân dân tệ lên giá ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ước tính của cơ quan này cho biết các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc mất đi khoảng 25% biên lợi nhuận trong cùng giai đoạn 2007 - 2012.

Chuyển dịch động lực phát triển kinh tế

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Trung Quốc vẫn thu hút được dòng tiền lớn là vì quốc gia này bắt đầu có những bước chuyển từ việc lắp ráp và gia công sản phẩm sang sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Chính sách thu hút vốn của Trung Quốc giờ đây tập trung vào những ngành sản xuất tiên tiến và dịch vụ như dịch vụ giao chuyển, nghiên cứu và phát triển, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề.

Một lý do nữa để Trung Quốc vẫn nhận được nhiều sự quan tâm là quốc gia này bắt đầu có những chính sách phát triển dựa hơn vào cầu nội địa so với cầu thế giới để làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Những nhà phân tích tại McKinsey cho rằng số lượng người tiêu dùng trung lưu tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần trong khoảng thời gian 2010 - 2020.

Năm 2011, khu vực dịch vụ Trung Quốc đóng góp khoảng 43% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), không cách quá xa con số hơn 46% đóng góp của khu vực sản xuất, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WorldBank). Chính quyền Trung Quốc dự định tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ vào GDP lên 47% vào năm 2015.

Theo đó dòng vốn FDI cũng phản ánh đúng những hoạch định phía Trung Quốc đưa ra. Mười tháng đầu năm 2012, tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc tăng lên hơn 50% so với tổng số FDI khi đạt gần 44 tỷ USD trên tổng số 84 tỷ USD vốn FDI.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện