Ảnh: Christian Today.

 
Mạnh Đức Thứ Hai | 05/08/2019 11:47

Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào với lời đe dọa áp thuế của Trump?

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc có thể thực hiện chiến thuật chờ đợi và kích thích nhu cầu trong nước trước lời đe dọa thuế quan từ Trump.

Lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế quan đối với phần hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc có thể sẽ khiến Bắc Kinh tăng cường kích thích kinh tế để bảo vệ nền kinh tế khỏi bị tổn hại thêm, một chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết hôm 2/8.

Vào ngày 1/8, ông Trump cho biết Washington sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9, bên cạnh mức thuế 25% đã áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm và có những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và niềm tin kinh doanh. Với những bất ổn gia tăng ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế trong nước đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5%, Timothy Moe, đồng giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á và chiến lược công bằng châu Á Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, nhận định.

Theo dữ liệu chính thức, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay là 6,3%, mức thấp nhất trong ít  nhất 27 năm.

“Chúng tôi nghĩ rằng một trong những hành động mà Trung Quốc có thể sẽ thực hiện ... là tiếp tục kích thích nền kinh tế trong nước”, ông Moe nói với CNBC.

“Nhu cầu từ bên ngoài đã suy yếu và điều này đã trở nên trầm trọng hơn bởi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc. Vì vậy, để bù đắp tác động tiêu cực đó, Trung Quốc cần phải tăng cường các khoản đầu tư hoặc hỗ trợ nhu cầu trong nước”, theo ông Moe.

Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế. Các biện pháp tiếp theo có thể được đưa ra dưới dạng kích thích tài khóa, ông Moe nhận định. Ông cho biết thêm Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát bất động sản mà nước này đang tiến hành.

Các nhà phân tích từ Citi cho biết vòng áp thuế quan tiếp theo của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,7% và tốc độ tăng trưởng GDP của nước này giảm 50 điểm cơ bản, ngoài những thiệt hại mà Trung Quốc đã phải gánh chịu vì những vòng áp thuế trước, các nhà phân tích đã viết trong một lưu ý cuối ngày 1/8.

Các nhà phân tích cho biết họ cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến lược chờ đợi, thay vì đáp ứng các yêu cầu của Washington. Điều đó có nghĩa là các biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng sức tiêu dùng ở nông thôn sẽ có vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng, nhóm nhà phân tích của Citi nhận định.

Iris Pang - một nhà kinh tế từ ngân hàng ING của Hà Lan - đã viết trong một ghi chú vào ngày 2/8 rằng Trung Quốc có thể muốn kéo dài cuộc chiến thuế quan với Mỹ, bởi vì một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến Tổng thống Trump gặp bất lợi trong cuộc bầu cử năm 2020.

“Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này sẽ là kéo dài đàm phán và áp thuế ăn miếng trả miếng”, bà nói. Quá trình trả đũa có thể kéo dài cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.