Ảnh: The Atlantic.

 
Mạnh Đức Thứ Tư | 08/05/2019 09:06

Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ thêm nữa?

Những nhượng bộ về thương mại xuất phát từ nhu cầu phát triển của Trung Quốc, chứ không phải vì áp lực của Mỹ, một nhà phân tích nhận định.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ vào ngày 9.5 để tiếp tục đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào ngày 7.5. Chuyến đi, dự kiến sẽ diễn ra ​​trong hai ngày, ngắn hơn so với dự kiến ban đầu, và diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang trở nên không chắc chắn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố rằng ông sẽ tăng thuế áp lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc lên 25%.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước các lời đe dọa của ông Trump. Trong một bài bình luận được công bố trên tài khoản WeChat của mình vào ngày 7.5, tờ Nhân dân Nhật báo cảnh báo Mỹ không nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ, South China Morning Post (SCMP) dẫn bình luận cho hay. “Khi mọi thứ không thuận lợi với chúng tôi, bất kể bạn yêu cầu thế nào, chúng tôi sẽ không lùi bước. Thậm chí không nghĩ về nó”, bình luận có đoạn.

Cho đến khi ông Trump có động thái leo thang gần đây, Washington đã mô tả các cuộc đàm phán là “xây dựng”, và nói thêm rằng hai bên đã tiến gần một thỏa thuận trong cuộc chiến kéo dài một năm. Tuy vậy, SCMP dẫn các nguồn tin cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã phủ quyết các nhượng bộ bổ sung do các nhà đàm phán của ông đề xuất.

Sau đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đã đưa ra đề xuất cứng rắn hơn với Washington, mặc dù không rõ liệu họ có đưa chúng vào một bản các đề xuất sửa đổi đệ trình lên ông Tập sau vòng đàm phán mới nhất ở Bắc Kinh vào tuần trước hay không.

Nhà phân tích chính trị Chen Daoyin tại Thượng Hải cho biết người Trung Quốc tin rằng họ có có ý chí và đủ sức mạnh để trụ vững trong mọi tình huống. “Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của ông có lập trường rất vững chắc, không có dấu hiệu lùi bước trước những thách thức”, ông Chen nói.

Trong một báo cáo nghiên cứu, ông Simon Evenett, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Johns Hopkins và ông Gary Hufbauer, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng trong quan điểm của Bắc Kinh, rủi ro suy thoái do việc không đạt thỏa thuận và thuế quan cao hơn của Mỹ hiện đang giảm dần khi kế hoạch kích thích kinh tế đang được tiến hành.

Arthur Kroeber, người đứng đầu nghiên cứu của Gavekal Dragonomics, có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định: “Việc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi đã giúp các nhà đàm phán nước này có thêm cơ sở để từ chối yêu cầu của Mỹ, liên quan đến việc cắt giảm trợ cấp công nghiệp và buộc chuyển giao công nghệ”.

Trong khi đó, những người có quan điểm cứng rắn ở Mỹ cũng đã đưa ra những lời chỉ trích rằng ông Trump chưa đạt được nhượng bộ đủ lớn từ Bắc Kinh.

Trong các cuộc đàm phán thương mại, Trung Quốc đã đồng ý tăng cường mở cửa thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như tăng mua hàng từ Mỹ, SCMP trích dẫn nguồn tin am hiểm các cuộc đàm phán cho hay.

Nhưng các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một cơ chế thực thi, vừa không làm giảm chủ quyền của Trung Quốc vừa đảm bảo nước này tuân thủ cam kết. Đồng thời, Trung Quốc đã trì hoãn các yêu cầu của Mỹ để thực hiện các thay đổi cơ bản trong chính sách công nghiệp của mình và giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo ở châu Âu và các đối tác trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã bảo vệ chủ nghĩa đa phương toàn cầu mà không đưa ra quá nhiều nhượng bộ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, ông Chen nhận định.

Quan điểm này dường như cũng được ông Kroeber đồng tình khi ông lưu ý rằng ông Tập đã sử dụng "một nửa bài phát biểu" của mình trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường để nêu ra những nhượng bộ về thương mại xuất phát từ nhu cầu phát triển của Trung Quốc, chứ không phải vì áp lực của Mỹ. Ông bình luận rằng: “Điều này cho thấy ông Tập cũng đã sẵn sàng ký thỏa thuận”.

Nguồn SCMP