Ảnh: SCMP
Trung Quốc sẽ chịu thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2019?
Quan niệm rằng Trung Quốc thường bán nhiều hơn mua từ thế giới từng là điều bất di bất dịch. Trong một phần tư thế kỷ, Trung Quốc đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai (tổng của cán cân thương mại và thu nhập ròng từ đầu tư nước ngoài). Thặng dư này là do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự suy yếu của nền sản xuất phương Tây.
Tuy nhiên, thặng dư đó có thể sớm biến mất. Năm 2019, Trung Quốc có thể chịu thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm lần đầu tiên kể từ năm 1993. Việc chuyển từ người cho vay sang người đi vay sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, dần dần buộc nước này phải thu hút thêm vốn nước ngoài và tự do hóa hệ thống tài chính. Chính phủ Trung Quốc cũng đã chú ý đến thực tế này.
Trong khi đó, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ dường như không nhận thấy điều này. Thay vì tập trung vào việc thúc giục Trung Quốc mở cửa hơn nữa hệ thống tài chính của mình, Mỹ lại lo ngại nhiều hơn rằng Trung Quốc cố ngăn đồng Nhân dân tệ mất giá. Kết quả của điều này là hai bên đã bỏ lỡ đi cơ hội của mình.
Trung Quốc đã duy trì thặng dư nhiều thập kỷ qua, điều phản ánh thực tế rằng trong nhiều năm nước này tiết kiệm nhiều hơn so với đầu tư. Các hộ gia đình thích tiết kiệm và tích trữ tiền mặt. Sự gia tăng của các cụm sản xuất lớn ven biển giúp các nhà xuất khẩu kiếm được nhiều doanh thu hơn mức Trung Quốc có thể tái đầu tư. Nhưng bây giờ, điều đó đã bắt đầu thay đổi. Người tiêu dùng Trung Quốc đang đua nhau mua sắm xe hơi, điện thoại thông minh và quần áo thời trang. Khách du lịch Trung Quốc cũng đang chi tiêu rất nhiều ở nước ngoài. Khi dân số già đi, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia sẽ giảm hơn nữa, bởi vì nhiều người về hưu sẽ lấy tiền tiết kiệm ra để sử dụng.
Việc Trung Quốc có thực sự rơi vào thâm hụt trong năm nay hay không sẽ được quyết định chủ yếu bởi giá cả nhiều loại hàng hóa. Nhưng xu hướng tiết kiệm và đầu tư là rất rõ ràng: đất nước này sẽ cần sớm thích nghi với theo một thực tế mới, trong đó thâm hụt là không thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ cần phải thu hút dòng vốn ròng, để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai. Ở một mức độ nào đó điều này đang xảy ra. Trung Quốc đã nới lỏng hạn ngạch cho người nước ngoài mua trái phiếu và cổ phiếu trực tiếp, và khiến cho việc đầu tư vào chứng khoán ở nước này trở nên dễ dàng hơn. Các quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ trên toàn thế giới đang xem xét tăng đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng giới phân tích đánh giá rằng những cải cách đó vẫn còn hạn chế. Công dân Trung Quốc vẫn chịu những giới hạn về chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn rút hết tiền của họ ra khỏi Trung Quốc ngay lập tức thì không rõ họ có thể làm như vậy hay không, một sự không chắc chắn như vậy có thể khiến họ quan ngại về việc rót một khoản tiền lớn vào. Trung Quốc rất quan ngại về sự bất ổn tài chính. Một cuộc cải cách tiền tệ trong năm 2015 đã gây ra biến động lớn trên thị trường.
Trong điều kiện lý tưởng, vốn sẽ cần phải chảy tự do theo cả hai hướng qua biên giới Trung Quốc. Người dân bên ngoài và bên trong Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc có thể đầu tư vào nhiều nơi hơn. Nhu cầu về dòng vốn tự do hơn sẽ tạo tác dụng phụ đáng hoan nghênh khi buộc Trung Quốc phải cải tổ hệ thống tài chính và để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ có nghĩa là các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc phân bổ vốn ở Trung Quốc.
Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ sẽ hoan nghênh tất cả những điều trên và kêu gọi Trung Quốc mở cửa hệ thống tài chính của mình. Thật không may, họ lại dường như bị mắc kẹt trong quá khứ. Bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng Trung Quốc có thể giảm giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu, các nhà đàm phán Mỹ được cho là muốn một đồng Nhân dân tệ ổn định. Điều này là sai. Thay vì chiến đấu với các cuộc chiến tiền tệ của ngày hôm qua, Mỹ nên thúc giục Trung Quốc chuẩn bị cho tương lai.
Nguồn Economist