Ảnh: Forbes
Trung Quốc sắp mất vị thế công xưởng sản xuất hàng đầu thế giới?
"Sử dụng Trung Quốc làm trung tâm sản xuất... Mô hình đó đã chấm dứt trong tuần này", ông Vladimir Signorelli, người đứng đầu công ty phân tích đầu tư vĩ mô Bretton Woods Research, nhận định.
Virus corona đang tác động tới nền kinh tế Trung Quốc nặng nề hơn nhiều so với những gì thị trường vẫn tưởng. Phố Wall muộn màng nhận ra điều đó trong tuần trước. Chỉ số S&P 500 sụt giảm tới 8%, thành quả tệ nhất trong số các thị trường bị nhiễm virus corona. Thậm chí, thị trường chứng khoán Italy còn có thành quả tốt hơn Mỹ, dù rằng số ca nhiễm mới của nước này tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Vào ngày 23/01, Bắc Kinh yêu cầu nới dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đóng cửa các nhà máy. Virus corona lây lan nhanh chóng ra khắp tỉnh Hồ Bắc. Vì vậy, Trung Quốc ra lệnh giới hạn di chuyển và cách ly gần 60 triệu người dân tại nơi đây, từ đó khiến hoạt động kinh doanh bị chững lại.
Khía cạnh đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng này không phải là những thiệt hại kinh tế ngắn hạn, mà là việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn lâu dài, ông Shehzad H. Qazi, Giám đốc quản lý China Beige Book, viết trên Barron's trong ngày thứ Sáu (28/02).
Các nhà sản xuất xe hơi và nhà máy hóa chất tại Trung Quốc bị đóng cửa nhiều hơn các ngành khác, ông Qazi chia sẻ. Đến cuối tuần trước, nhân viên thuộc ngành công nghệ thông tin vẫn chưa thể quay lại làm việc. Các công ty vận tải và logistics cũng ghi nhận mức đóng cửa cao hơn so với trung bình quốc gia . "Tác động dây chuyền của tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ thể hiện rõ ở các ngành phụ tùng xe hơi, điện tử, y tế trong nhiều tháng tới".
Trung Quốc đã và đang mất dần vị thế "công xưởng toàn cầu" vì chi phí lao động ngày càng tăng và các quy định môi trường ngày càng khó khăn. Trong thời gian qua, các công ty quốc tế chủ động vẫn luôn tìm kiếm nơi có chi phí sản xuất thấp nhất, có thể là chi phí lao động thấp hoặc môi trường kinh doanh dễ dàng hơn.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, xu hướng chuyển dịch nơi sản xuất lại được đẩy nhanh. Các công ty không thích sự bất ổn từ hàng rào thuế quan. Họ chuyển sang nhập nguồn nguyên vật liệu từ nơi khác. Các đối tác Trung Quốc của họ chuyển nhà máy sang Việt Nam, Bangladesh và những quốc gia khác tại Đông Nam Á.
Và rồi virus bí hiểm xuất hiện ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Từ đó, công ty vốn đang chờ động thái mới của ông Trump nay phải lập tức xem xét lại việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà thuốc bán lẻ ở châu Âu không thể mua được khẩu trang vì chúng đều được sản xuất tại Trung Quốc. Tại sao Albania không thể sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu? Chi phí lao động ở Albania thậm chí rẻ hơn Trung Quốc, và còn gần hơn nữa.
Virus corona chính là tiếng hót vĩnh biệt (swan song) dành cho Trung Quốc. Forbes đánh giá chẳng có cách nào để Trung Quốc níu giữ vai trò công xưởng sản xuất thế giới nữa. Những ngày tháng tươi đẹp đó đã qua rồi. Nếu ông Trump tái đắc cử, các công ty sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì họ sợ việc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 sẽ thất bại.
Dù vậy, việc lựa chọn một quốc gia sản xuất mới không hề dễ dàng. Không nền kinh tế nào đủ sức thiết lập hệ thống logistic như Trung Quốc. Rất ít quốc gia đưa ra được mức thuế ưu đãi như Trung Quốc. Brazil thì chắc chắn là không, Ấn Độ có thể. Nhưng Ấn Độ có hệ thống logistics rất tệ.
Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) – vừa ký kết trong năm 2019 – sẽ giúp Mexico hưởng lợi từ quá trình này.
Thời của Mexico đã đến?
Nguồn: Forbes |
Theo kết quả khảo sát 160 giám đốc điều hành của Foley & Lardner LLP, những người tham gia từ các lĩnh vực sản xuất, xe hơi và công nghệ cho biết họ định chuyển hoạt động sản xuất từ các quốc gia khác về Mexico. Họ dự định làm điều đó trong vòng 1-5 năm tới.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy phần lớn giám đốc điều hành các công ty đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ các quốc gia khác tới Mexico”, ông Christopher Swift, đối tác của Foley, cho biết.
Ông Swift cho biết đây là kết quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự ra đời của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 là một yếu tố tích cực, nhưng dịch virus corona cho thấy hậu quả nghiêm trọng của sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
"Ước tính của chúng tôi về đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển hướng từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tới Mexico sẽ đạt 12-19 tỷ USD/năm", ông Sebastian Miralles, đối tác quản lý của Tempest Capital, cho biết.
“Sau giai đoạn đẩy mạnh, GDP của Mexico có thể tăng trưởng 4,7%/năm nhờ tác động tích cực từ dòng vốn FDI vào hoạt động sản xuất”, ông nói.
Mexico là quốc gia có vị thế tốt để tận dụng lợi thế từ cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Mexico là quốc gia có chi phí thấp và có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ.
Trong 25 năm qua, nhờ thỏa thuận NAFTA, Mexico trở thành nhà xuất khẩu và sản xuất hàng đầu các mặt hàng như xe tải, xe hơi, hàng điện tử, tivi và máy tính. Việc vận chuyển một container từ Mexico đến New York chỉ mất ngày, trong khi vận chuyển từ Thượng Hải mất đến 40 ngày.
Thậm chí, Mexico còn sản xuất những hàng hóa phức tạp như động cơ máy bay và chất bán dẫn vi mô.
Nguồn Forbes