Trung Quốc sắp có tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới?
2 tập đoàn hóa chất đều thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc là Sinochem và ChemChina đang đàm phán về việc sáp nhập để thành lập công ty hóa chất công nghiệp lớn nhất thế giới, với người đứng đầu là chủ tịch Ning Gaoning của Sinochem. Đây là thông tin được hãng Reuters dẫn lại từ 4 người biết thông tin về cuộc đàm phán này.
Theo đó, một thỏa thuận có thể được công bố vào cuối năm nay, có khả năng là chỉ vài tháng sau khi ChemChina hoàn tất thương vụ mua tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ với giá 43 tỷ USD, thương vụ lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc cho đến nay.
Việc hợp nhất Sinochem và ChemChina sẽ tạo ra một tập đoàn trị giá khoảng 120 tỷ đô la Mỹ, vượt qua tất cả các công ty hóa chất công nghiệp lớn khác như BASF (Đức), theo nguồn tin cho hay.
Tin tức về cuộc đàm phán này đã bắt đầu rò rỉ vào năm ngoái, nhưng cả Sinochem và ChemChina đều đã chối bỏ. Về các tin mới đây, cả 2 công ty này không đưa ra bình luận khi được hỏi vào hôm thứ Ba. Một người phát ngôn của Syngenta cho biết công ty không hề biết gì về cuộc đàm phán.
Sinochem và ChemChina đã tăng tốc đàm phán sau khi các nhà chức trách tại Châu Âu đã chính thức thông qua việc ChemChina mua lại Syngenta vào tháng trước. Sự chấp thuận của hơn 80% các cổ đông Syngenta giúp đẩy mạnh việc hoàn tất thương vụ, bây giờ trọng tâm đã chuyển sang việc tạo ra một siêu công ty hóa chất Trung Quốc.
Bắc Kinh xem thương vụ Sinochem/ChemChina là một kế hoạch để tinh giản và củng cố các doanh nghiệp nhà nước vốn đang nợ nần đầm đìa, để từ đó có ít công ty hơn nhưng những công ty này sẽ mạnh hơn và có sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Trở ngại trước mắt
2 bên vẫn chưa đi đến thỏa thuận sau cùng, và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm nay có thể mang lại một số bất ổn chính trị cho thương vụ.
Mặc dù thương vụ ChemChina thôn tính Syngenta đã mang lại cho Trung Quốc một danh mục các loại hóa chất hàng đầu và các hạt giống có bản quyền để cải thiện sản lượng nông nghiệp, nhưng nó cũng để lại cho ChemChina khối nợ khổng lồ.
Năm ngoái, ChemChina đã nhận được các khoản vay bắc cầu với 32,9 tỷ USD với hơn 20 ngân hàng Trung Quốc, Châu Âu và Châu Á – khiến cho các nhà đầu tư và các nhà phân tích lo ngại về tình trạng đòn bẩy quá cao của công ty này.
Việc sáp nhập Sinochem và ChemChina sẽ tạo ra một công ty hàng đầu trên thế giới về hóa chất, phân bón và dầu mỏ, và trở thành đối thủ lớn của 2 công ty dầu khí quốc doanh Sinopec và PetroChina.
Sinochem có quy mô lớn hơn ChemChina, nhưng cần một đối tác lâu dài để mở rộng thị trường toàn cầu từ ngành kinh doanh cốt lõi của công ty là dầu và hóa chất.
Sự tăng trưởng của Sinochem trong lĩnh vực năng lượng đã bị trì trệ, với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các công ty nội địa, trong đó có Unipec và Chinaoil, trong khi các tài sản dầu khí ở nước ngoài của hãng đang phải vật lộn trong bối cảnh giá dầu chưa khởi sắc.
Bá Ước
Nguồn Reuters