Trung Quốc chiếm 80% tổng số tấm pin mặt trời được sản xuất trên toàn cầu. Ảnh: AFP.

 
Hải Miên Thứ Tư | 27/03/2024 17:00

Trung Quốc rơi vào thế khó do ngành năng lượng mặt trời đầy biến động

Thực chất thì ngành công nghiệp năng lượng mặt trời có tính chu kỳ, sau bùng nổ thì sẽ là phá sản.

Tháng 12 năm ngoái, tỉ phú lĩnh vực năng lượng mặt trời người Trung Quốc Li Zhenguo đã phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Dubai, hứa hẹn một hệ thống năng lượng "đạo đức và công bằng” để hỗ trợ quá trình khử carbon của thế giới. Ông Li cho biết: “Cơ hội để mọi người đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp năng lượng tái tạo là vô tận”.

Nhưng 3 tháng sau, người sáng lập công ty Công nghệ Năng lượng Xanh LONGi buộc phải rút lui do tình trạng dư cung toàn cầu, sa thải hàng ngàn công nhân nhà máy và nhân viên văn phòng khi ngành phải vật lộn với giá cả sụt giảm.

LONGi, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, tuần trước cho biết dự kiến ​cắt giảm 5% trong tổng số 80.000 nhân viên của mình sau khi Bloomberg đưa tin Công ty đang lên kế hoạch cắt giảm 30% nhân viên. LONGi cho biết, con số 30% là “sai”, mặc dù các chuyên gia cho biết tỉ lệ mất việc làm cuối cùng có thể cao hơn 5% sau khi giá mô-đun năng lượng mặt trời giảm một nửa trong năm qua.

LONGi là một trong số các công ty Trung Quốc, cả tư nhân và nhà nước, chiếm hơn 80% sản lượng năng lượng mặt trời toàn cầu, là kết quả của hàng thập kỷ nhận được sự hỗ trợ sâu rộng của nhà nước và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nước. Được niêm yết tại Thượng Hải vào năm 2012, Công ty báo cáo doanh thu hàng năm gần 130 tỉ nhân dân tệ (18 tỉ USD) vào năm 2022, tăng từ 54 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020.

Theo Viện nghiên cứu Hurun, một nhóm theo dõi sự giàu có ở Trung Quốc, tính đến tháng 10, khối tài sản của ông Li và vợ là Xiyan đạt khoảng 5,7 tỉ USD, không còn thuộc Top 100 người giàu nhất Trung Quốc.

Thực chất thì ngành công nghiệp năng lượng mặt trời có tính chu kỳ, dẫn đến thời kỳ bùng nổ và phá sản. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc cắt giảm việc làm hàng loạt trong toàn ngành là điều không thể tránh khỏi sau nhiều năm tập trung quá mức vào sản lượng thay vì lợi nhuận bền vững.

Đầu năm nay, bà Xuyang Dong của tổ chức tư vấn Climate Energy Finance, đã lưu ý rằng công suất sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã đạt hơn 1.000 GW cho thị trường trong nước và quốc tế, cao hơn nhiều so với nhu cầu trong nước hiện tại. Trong khi Trung Quốc chỉ cần khoảng 280-320 GW công suất năng lượng mặt trời mới mỗi năm cho đến năm 2030 để đạt được mục tiêu carbon kép.

Bà nói: “Chi phí tiết kiệm được từ việc sa thải nhân viên là không đủ so với mức giá giảm 40-50% trên thị trường trong 12 tháng qua”.

Sự mở rộng của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Vào tháng 1, Brussels cho biết đang xem xét các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp sau khi làn sóng thiết bị giá rẻ của Trung Quốc tràn vào khiến hàng loạt nhà máy địa phương phải đóng cửa.

Cùng tháng đó, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden tăng thuế đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt khi ngày càng nhiều nhà máy gia công sản phẩm Trung Quốc được đặt tại các nước thứ 3.

Có thể bạn quan tâm:

 Giới trẻ Trung Quốc chọn xổ số để đối mặt với nỗi lo kinh tế

Nguồn FT