Trung Quốc phát hiện mỏ khí lớn trên Biển Đông
Giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hồi tháng 9/2014 đã phát hiện mỏ khí nước sâu Lăng Thủy 17-2 (Lingshui 17-2), hãng thông tấn Xinhua đưa tin. CNOOC cho biết Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đánh giá Lăng Thủy 17-2 là mỏ khí trữ lượng lớn.
Theo CNOOC, mỏ Lăng Thủy 17-2 nằm cách đảo Hải Nam 150 km về phía nam, có độ sâu trung bình 1.500 m dưới mặt biển.
Xie Yuhong, một nhà quản lý ở CNOOC, nói trữ lượng khí đốt của Lăng Thủy 17-2 sẽ giúp công ty xây dựng một hệ thống ống dẫn khi nối khu vực này với các mỏ khí khác trên Biển Đông, đáp ứng nhu cầu khí đốt lớn của các tỉnh phía nam, Hong Kong và Macao.
Trong khi đó, AP dẫn lời Xizhou Zhou, giám đốc cấp cao và là người đứng đầu IHS Energy, công ty tư vấn năng lương có trụ sở Mỹ, chi nhánh Trung Quốc, cho biết trữ lượng 100 tỷ mét khối là "khá lớn nhưng chưa đáng kể". Theo ông Zhou, trữ lượng này chỉ đủ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 6 hoặc 7 tháng.
CNOOC bắt đầu đưa Hải Dương 981 đi thăm dò dầu khí trên Biển Đông từ tháng 5/2014, hạ đặt trái phép giàn khoan này vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡi, trước khi di chuyển về phía đảo Hải Nam. Trong thời gian đó, Trung Quốc còn triển khai nhiều tàu quân sự, máy bay hộ tống giàn khoan uy hiếp, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên thế giới và nước này đang tìm cách giám sự phụ thuộc vào than, dầu và khí tự nhiên nhập khẩu. Liên đoàn Dầu khí và Công nghiệp Hóa chất Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ, tháng trước thông báo Trung Quốc tiêu thụ 180 tỷ mét khối khí tự nhiên trong năm 2014.
Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc cho biết trữ lượng khí tự nhiên có thể khai thác được của nước này tính đến cuối năm 2014 là 37 nghìn tỷ mét khối. Việc khai thác khí đốt trên Biển Đông nằm trong kế hoạch 5 năm của Bắc Kinh nhằm gia tăng sản xuất nội địa bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng.
Nguồn VnExpress