Thứ Năm | 16/10/2014 16:41

Trung Quốc 'phát đạt' nhờ sự biến mất 40 ngày của Kim Jong-un

Lượng du khách và nhà báo quốc tế đổ về thành phố Đan Đông, Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "mất tích".
Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngành du lịch của Đan Đông đã làm ăn khá phát đạt trong hơn một tháng qua do thành phố này nắm sát với khu vực biên giới Sinuiju của Triều Tiên.

Những tin đồn về việc ông Kim lâm trọng bệnh hoặc bị lật đổ sau một cuộc đảo chính dường như ngày càng được khẳng định sau sự kiện nhà lãnh đạo trẻ vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm lần thứ 69 ngày thành lập Đảng Cộng sản Triều Tiên hôm 10/10.

Tuy nhiên, mọi tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông Kim đã bị xóa tan khi hôm 14/10, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cho đăng hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ đi thị sát Khu nhà dành cho các nhà khoa học Wisong và Viện Năng lượng mới được xây dựng thuộc Học viện Khoa học tại Bình Nhưỡng.

Đây là lần đầu tiên, ông Kim xuất hiện trước giới truyền thông sau 40 ngày biến mất đầy bí ẩn kể từ ngày 3/9 khi ông tham dự một buổi hòa nhạc cùng với vợ mình.

Cùng ngày, tờ tiếng Anh Korea Herald của Hàn Quốc đưa tin một số nguồn tin cho hay ông Kim đã gặp vấn đề với đôi chân của mình và phải nhờ tới các bác sĩ nước ngoài chữa trị.

Còn tờ Kyodo News của Nhật Bản cho rằng ông Kim đang trong thời gian phục hồi sức khỏe tại dinh thự phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng sau khi trải qua ca phẫu thuật khớp do các bác sĩ Pháp thực hiện hồi giữa tháng Chín.

Trong khi đó, tờ Hankook Ilbo của Hàn Quốc cho hay khả năng ông Kim bị rối loạn tuần hoàn máu hậu quả từ việc ông này mắc cùng lúc quá nhiều loại bệnh bởi những tổn thương khớp vốn được báo chí coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự biến mất bí ẩn của ông Kim, sẽ không cần tới 40 ngày điều trị. Những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim còn được đăng trên các tờ báo của Anh như Telegraph và Independent.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một học giả Đức nhấn mạnh Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung một căn bệnh là "quá vội vàng và thèm khát nguồn tin tình báo từ Triều Tiên".

Việc giới truyền thông nước ngoài quan tâm đặc biệt tới Triều Tiên không phải là điều khó hiểu bởi đây là quốc gia bí ẩn nhất trong thế giới chính trị hiện đại như lời của một học giả tại Đại học Yonsei chia sẻ với tờ The Korea Times của Hàn Quốc. Học giả này nhận định những lời đồn đoán xuất hiện ngày càng nhiều là do thiếu thông tin.

Phần lớn những câu chuyện nội bộ của Bình Nhưỡng cũng không thể lọt ra bên ngoài. Ngay như thông tin cựu lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, thế giới cũng chỉ được biết khi truyền thông Triều Tiên thông báo sau 2 ngày xảy ra sự kiện.

Do đó, sự biến mất bất thường của ông Kim Jong-un đã khiến cộng đồng quốc tế đau đáu đi tìm câu trả lời về chuyện gì đã xảy ra với nhà lãnh đạo trẻ hay ông đã bị lật đổ.

"Nếu những lời đồn đoán về việc ông Kim Jong-un bị ốm hoặc lâm trọng bệnh được chứng minh là đúng sự thật, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng sẽ không phải là đơn vị đầu tiên trên thế giới biết được việc này. Mọi cơ quan tình báo trên thế giới cũng không thể biết được", hãng tin Bloomberg nhận định hôm 10/10.

Cũng theo Bloomberg, lòng trung thành tuyệt đối đã khiến không một người dân Triều Tiên nào dám phản bội gia tộc họ Kim. Do đó, nguồn tin tình báo về quốc gia cô lập chủ yếu được nước ngoài thu thập từ ảnh chụp và tín hiệu vệ tinh.

Trong khi đó, việc hàng loạt nhà báo quốc tế đổ xô về Đan Đông đã giúp một bộ phận người dân Trung Quốc kiếm tiền dễ dàng. Trả lời Thời báo Hoàn Cầu, một người dân địa phương tên Lin cho hay khi một số nhà báo nước ngoài muốn phỏng vấn một quân nhân của Triều Tiên, một số người đã tự đóng giả làm lính Triều Tiên.

"Anh ta chỉ việc đứng trước máy quay phim và nói vài câu về chính quyền Triều Tiên. Các nhà báo thì rất phấn khởi bởi họ cho rằng mình đã thu được thông tin có giá trị. Trong khi, những tay lính giả mạo còn nhận được khoản tiền công 3.000 Nhân dân tệ (500 USD)", anh Lin nói.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện