Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Fed lâm vào thế khó
“Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc đẩy Fed vào thế khó. Nó mở ra khả năng Fed sẽ hoãn nâng lãi suất. Nếu không, nó cũng khiến quá trình này trở nên gai góc hơn”.
Động thái này đe dọa sẽ “tháo xích” cho một làn sóng hạ giá nội tệ để cạnh tranh cũng như kéo dài chính sách nới lỏng trên khắp thế giới. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không phải là ngoại lệ.
Tuyên chiến về thương mại
Trong những năm gần đây, “chiến tranh tiền tệ” trở thành một từ khóa nóng. Tại nhiều nước phát triển, lãi suất đổ dần về mức cận 0, thậm chí âm. Các ngân hàng trung ương ồ ạt in thêm tiền, tỷ giá được xem như một công cụ để tiếp sức hoạt động kinh doanh, né tránh giảm phát.
Ví dụ, động thái nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tháng Ba được xem như một lối thoát cho khu vực eurozone, hạ giá đồng euro đang bị “thổi phồng”, ngăn chặn bóng ma giảm phát đang lăm le tấn công những nước ngập trong nợ công.
Gần đây hơn, một loạt các gói kích thích định lượng đến từ ngân hàng Bank of Japan cũng hạ giá đồng yen.
Đi ngược lại xu hướng, Trung Quốc siết chặt tỷ giá neo đậu của đồng nhân dân tệ vào USD, đồng nghĩa tỷ giá thực của nội tệ nước này đã tăng giá hơn 10% trong một năm qua, bất chấp kinh tế giảm tốc và xuất khẩu sa lầy.
Nhưng hai ngày phá giá nhân dân tệ liên tiếp, với mức hạ giá 1,9% trong 11/8 và 1,6% trong 12/8 cho thấy có lẽ Bắc Kinh đã “hết chịu nổi”. Đây có thể được coi như lời tuyên chiến thương mại mới của Trung Quốc gửi tới Mỹ.
Fed vào thế khó
Đồng USD tăng 20% giá trị chỉ trong một năm. Nhân dân tệ hạ giá khiến hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu của Mỹ.
“Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc đẩy Fed vào thế khó. Nó mở ra khả năng Fed sẽ hoãn nâng lãi suất. Nếu không, nó cũng khiến quá trình này trở nên gai góc hơn”, ông Patrick Chovanec, nhà chiến lược trưởng tại Silvercrest Asset Management, nhận xét.
Trong thập kỷ vừa qua, Mỹ đã liên tiếp tạo áp lực khiến Bắc Kinh phải thả neo để nhân dân tệ tăng giá. Washington khẳng định những gói can thiệp quy mô hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh đã ghìm giá nội tệ, mang lại cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thị trường xuất khẩu.
Trên thực tế, mức tăng trưởng kinh tế 10% mỗi năm biến Trung Quốc trở thành bến đậu của hàng trăm tỷ USD vốn ngoại mỗi năm. Tuy nhiên khi tăng trưởng giảm tốc về mức thấp nhất trong vòng 25 năm, Bắc Kinh phải viện đến kho dự trữ ngoại hối để bù đắp dòng tháo vốn trong những năm qua, đồng thời cứu giá đồng nội tệ.
“Giờ thì Trung Quốc phải lựa chọn một trong hai thứ. Nên thả nổi nhân dân tệ, hay tiếp tục can thiệp để giữ tỷ giá và rút tiền từ kho dự trữ”, ông Chovanec, chuyên gia tại Trường quan hệ quốc tế Columbia, nhận xét.
Trung Quốc nói gì?
Đại diện Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết việc điều chỉnh tỷ giá dựa trên phân tích dữ liệu tài chính tháng Bảy cùng với việc điều chỉnh tỷ giá bình quân của nhân dân tệ so với USD cùng ngày 11/8.
Nếu giá đóng cửa ngày hôm trước chệch quá nhiều so với tỷ giá bình quân thì tỷ giá bình quân của ngày hôm sau sẽ phải điều chỉnh so với ngày hôm trước.
PBOC cho rằng, sau điều chỉnh tỷ giá hôm qua, các nhà tạo lập thị trường sẽ cần thêm thời gian để điều chỉnh tỷ giá niêm yết và giao dịch. Tình trạng tỷ giá bình quân của nhân dân tệ sẽ biến động mạnh trong ngắn hạn, thu hẹp khoảng cách với tỷ giá thị trường.
Trả lời câu hỏi trong tương lai liệu nhân dân tệ có bị phá giá thêm nữa không, PBOC cho biết: “Đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, hiện nay, chúng tôi nhận thấy không có cơ sở nào cho thấy nhân dân tệ sẽ mất giá trong thời gian dài”.
“Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động đầy đủ của sự thay đổi này, song Bắc Kinh đã cho thấy nước này đang tiến tới một tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định nhiều hơn,” Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói.
“Bất kỳ động thái đảo ngược các biện pháp cải cách nào cũng sẽ là một diễn biến tiêu cực,” ông này cho biết thêm.
Nguồn Bizlive