Trung Quốc: Nỗi sợ hãi bao trùm các công ty tài chính
Nhà đầu tư huyền thoại bị bắt giữ. Máy tính, điện thoại của các quỹ tương hỗ bị thu giữ. Việc điều tra chủ tịch Công ty Chứng khoán Citic và ít nhất 6 nhân viên khác đang được tiến hành.
Việc bắt giữ hoặc điều tra nhằm vào ngành tài chính sau khi tình trạng sụp đổ của thị trường chứng khoán trầm trọng hơn trong những tuần qua, khiến các hãng tài chính Trung Quốc vô cùng lo sợ và đóng băng chiến lược đầu tư của mình.
Mục tiêu của giới chức là dẹp bỏ mọi hành vi sai trái như giao dịch nội gián - một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ và cũng là mong muốn tìm chỗ để đổ lỗi cho những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mấy tháng trước, theo Barry Naughton, giáo sư nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học California ở San Diego.
“Tất cả những điều này đang gây ra tình trạng bất ổn và sợ hãi, làm xói mòn những nỗ lực tăng tính hiệu quả của thị trường", ông Naughton nói.
Yao Gang, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). |
Sản phẩm mới
Các cơ quan quản lý Trung Quốc từ lâu đã khuyến khích các quỹ đầu tư và công ty môi giới chứng khoán tạo ra những sản phẩm đầu tư mới để giúp ngành tài chính phát triển. Giờ đây, quá trình này đang gặp trở ngại bởi các cuộc bắt bớ và điều tra.
JPMorgan Chase và Credit Suisse đã thu hẹp các sản phẩm cho phép nhà đầu tư ngoại đặt cược vào xu hướng giá cổ phiếu giảm. Ít nhất một công ty nghiên cứu Trugn Quốc đã rút lại thông tin từng cung cấp cho thị trường vì cho rằng "quá nhạy cảm".
Gao Xiqing, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), trong một diễn đàn tại Bắc Kinh hôm 6/11, đã phát biểu rằng các nhà hoạch định chính sách từng nói "chúng tôi đang đổi mới, do vậy, các bạn đều có thể tham gia - sử dụng giao dịch cao tần, phòng hộ, hay bất kỳ hình thức nào - để giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Một vài ngày sau, họ lại nói giao dịch của bạn có vấn đề và chúng tôi bắt giữ bạn để điều tra".
Việc này khiến thị trường rất khó dự đoán và gây bất ổn hoang mang, theo ông Gao.
Các sản phẩm mà Credit Suisse và JPMorgan thu hẹp lại là các hợp đồng tổng hợp, cho phép khách hàng đặt cược vào cổ phiếu Trung Quốc một cách gián tiếp thông qua sự kết nối giữa sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải. Sau khi giới chức Trung Quốc hạn chế bán khống và giao dịch hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số, Credit Suisse và JPMorgan đã thu hẹp sản phẩm dù rằng hoàn toàn hợp pháp.
Ngừng giao dịch
Khoảng 1/3 các quỹ đầu cơ tập trung vào hợp đồng kỳ hạn của Trung Quốc phải ngừng giao dịch giới chức Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế kể cả bán khống.
Quỹ đầu tư Howbuy Investment Management hồi tháng 9 cho biết đã phải ngừng cung cấp số liệu về các khoản thanh toán trước hạn vì thông tin này quá nhạy cảm, đồng thời cho biết từ đầu năm đến nay khoảng 1.300 quỹ đầu cơ đã phải đóng cửa.
Trong vụ điều tra mới nhất, Yao Gang - phó Chủ tịch CSRC - đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Được mệnh danh là “Vua của các vụ IPO”, cho đến đầu năm nay Yao Gang vẫn chỉ đạo mọi hoạt động giám sát IPO trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trước Yao Gang, Zhang Yujun - cựu Phó chủ tịch ủy ban chứng khoán Trung Quốc cũng đã bị điều tra hồi tháng 9.
Giới chức Trung Quốc cũng đang nhiều công ty đầu tư Trung Quốc, kể cả Harvest Fund Management hồi đầu tháng 11. Xu Xiang, giám đốc Quỹ đầu tư Zexi - người được mệnh danh là "anh cả của các quỹ đầu cơ" cũng bị bắt hôm 1/11 và 1 tỷ USD cổ phiếu của các công ty liên quan đến Xu Xiang đã bị đóng băng.
Hao Hong, chiến lược gia về Trung Quốc tại Bocom Internatinal Holdings ở Hong Kong, cho biết, mức độ điều tra ngành tài chính đã vượt qua mọi dự đoán của nhà đầu tư. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Nhưng về dài hạn, động thái này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư có quy mô nhỏ hơn.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg