Trung Quốc nới lỏng một số quy định với ngân hàng
Trong cuộc họp kín ngày 24/12, các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ thay đổi cách tính tỷ lệ nợ/tiền gửi đối với khối ngân hàng, theo thông tin từ một số quan chức ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng Trung Quốc không thể cho vay hơn 75% tổng tiền gửi, không bao gồm các khoản tiền gửi lớn của những tổ chức tài chính không phải là ngân hàng (như các quỹ quản lý tài sản và công ty chứng khoán). Tuy nhiên với cách tính mới, những khoản tiền gửi này sẽ được tính là một phần tiền gửi của ngân hàng.
Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, việc thay đổi cách tính tỷ lệ nợ/tiền gửi tương đương với việc bơm 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 242 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, các quan chức PBOC dự kiến sẽ tạm thời gỡ bỏ yêu cầu về dự trữ bắt buộc tại ngân hàng trung ương đối với khối ngân hàng thương mại. Điều này đồng nghĩa rằng, tổng tiền gửi của khối ngân hàng có thể sẽ tăng thêm 7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ USD), theo tính toán của chuyên gia phân tích Huang Jie tại công ty China International Capital.
Hai động thái này dự kiến sẽ có tác dụng tương tự như việc PBOC hạ 1,5 điểm % trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với khối ngân hàng.
Ngoài ra, PBOC cho biết sẽ vẫn hạn chế áp dụng các biện pháp nới lỏng quy mô lớn, tránh kích thích thị trường chứng khoán tăng điểm quá mạnh như gần đây. Tuy nhiên theo dự đoán của một số chuyên gia, PBOC rất có thể sẽ hạ 1 điểm % trong yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với khối ngân hàng trong nửa đầu năm 2015.
Ngay sau khi báo chí Trung Quốc công bố tin tức này, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 3,4% trong ngày 25/12.
Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng tăng trưởng chậm lại mặc dù chính phủ Trung Quốc vừa áp dụng một loạt biện pháp kích thích trong tháng 11. Rất có thể, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm nay, theo dự đoán của các chuyên gia.
Nguồn DVO/ Wall Street Journal