Thứ Năm | 01/08/2013 14:05

Trung Quốc nợ bao nhiêu?

Trung Quốc nợ nhiều, nhưng kể cả ở Bắc Kinh cũng không ai biết con số thực sự là bao nhiêu.
Theo báo cáo từ chính phủ Trung Quốc, tính đến cuối năm 2012, nợ chính phủ do chính quyền trung ương phát hành hiện ở mức 8.400 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD), bằng 16% GDP. So với các tiêu chuẩn phương Tây, đây thực sự là một con số đáng mơ ước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở các chính quyền địa phương và các bộ ngành. Do đó, tính toán con số nợ công chính xác là một nhiệm vụ rất phức tạp và khó khăn.

Lo ngại rằng hoạt động vay mượn có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Văn phòng kiểm toán quốc gia (NAO) thực hiện kiểm toán toàn thể nợ tại địa phương. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã ước tính về nợ của Trung Quốc, trong đó IMF đưa ra con số thấp nhất (46%) và ngân hàng Standard Chartered đưa ra con số cao nhất (78%).

Trung Quốc nợ bao nhiêu?

Trung Quốc có một lợi thế rất lớn so với các nước láng giềng như Hàn Quốc và Indonesia vốn là những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nợ của Trung Quốc không được niêm yết bằng ngoại tệ hoặc có chủ nợ nước ngoài. Theo Andrew Batson - chuyên gia đến từ hãng nghiên cứu Dragonomics, điều này có nghĩa là khủng hoảng nợ theo kiểu Hy Lạp sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, thay vào đó, rủi ro có thể xảy ra nếu chính phủ cho phép tỷ lệ lạm phát cao hơn ăn mòn giá trị của các khoản nợ, hoặc kiểm soát hệ thống tài chính quá chặt và "bóp chết" những doanh nghiệp nhỏ. Hậu quả là hiệu suất của nền kinh tế sụt giảm, dẫn đến tình trạng trì trệ.

Dragonomics dự báo nợ của Trung Quốc chiếm 60% GDP.

Ngoài 8.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu do chính phủ Trung Quốc phát hành, Standared Chartered ước tính nợ của các chính quyền địa phương vào khoảng 20.000 tỷ nhân dân tệ. Về mặt kỹ thuật, hầu hết các tỉnh thành và quận huyện của Trung Quốc không được phép đi vay. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ, chính quyền trung ương đã "làm ngơ" khi lập nên các công cụ đầu tư để rót tiền cho các chính quyền địa phương. Nhờ vào lượng tiền khổng lồ đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã chống chọi tốt với khủng hoảng.

Tuy nhiên, chính động thái này cũng khiến các chính quyền địa phương ngập trong nợ nần. Báo cáo kiểm toán mới nhất của NAO cho thấy nợ địa phương ở mức khoảng 10.700 tỷ nhân dân tệ. Giới phân tích dự báo đợt kiểm toán lần này sẽ ghi nhận con số tăng vọt.

Standard Chartered ước tính Bộ Đường sắt Trung Quốc cũng đang gánh khoản nợ 3.100 tỷ nhân dân tệ. Khoản tiền này đã được chuyển sang China Railway Corp. - công ty vừa tách khỏi Bộ hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc khẳng định vẫn đứng sau khoản nợ này.

Thêm vào đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và các ngân hàng chính sách khác cũng đã phát hành số nợ có tổng giá trị 7.600 tỷ nhân dân tệ. Những khoản nợ này đều được phát hành với mục đích phục vụ các mục tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đang tranh cãi liệu khoản nợ được phát hành bởi các ngân hàng chính sách có nên được tính vào nợ của chính phủ hay không. Do chính quyền địa phương cũng có thể vay từ nguồn này, nhiều người cho rằng khoản nợ có thể được tính 2 lần.

Chính phủ Trung Quốc dường như vẫn chưa thể giải quyết gọn ghẽ cuộc khủng hoảng nợ xấu từ cách đây hơn 1 thập kỷ, khi ngân hàng trung ương cứu hệ thống ngân hàng bằng cách thành lập công ty quản lý tài sản. Các công ty quản lý tài sản (AMC) vẫn còn khoảng 1.900 tỷ nhân dân tệ chưa được giải quyết.

Mặt khác, mặc dù các chính quyền địa phương có rất nhiều nợ phải trả, họ vẫn còn khá nhiều tài sản để gán nợ. Nhiều năm nay, các địa phương đã triển khai đấu giá đất đai. Và, khi hết đất, họ có thể tư nhân hóa hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước.

Quỹ lương hưu quốc gia của Trung Quốc hiện đang thiếu hụt 18.300 tỷ nhân dân tệ, theo một báo cáo được thực hiện bởi Deutsche Bank và Bank of China. Trung Quốc sẽ phải làm nhiều thứ hơn nữa để có thể giải quyết vấn đề nợ và cổ phần hóa một vài công ty nhà nước.

Nguồn CafeF


Sự kiện