freemalaysiatoday.com
Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên: Bộ ba đe dọa kinh tế Châu Á
Richard Haass, chủ tịch của nhóm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) tại Mỹ, đã viết trong một bài xã luận mới rằng Châu Á đạt được tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong vài thập kỷ qua là vì lục địa này từ lâu đã không có những cuộc xung đột quân sự lớn xuyên biên giới.
Tuy nhiên, các nền tảng cho sự hòa bình và ổn định ở châu Á "đang chịu áp lực ngày càng gia tăng", Haas nói.
Lịch sử chính trị ổn định
Haas chỉ ra rằng, không giống như châu Âu hay châu Mỹ Latinh, Châu Á đã không có một cuộc chiến lớn nào kể từ khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Tuy các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ vẫn liên tục diễn ra, từ tranh chấp các hòn đảo giữa Nga và Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới II cho đến những căng thẳng hiện tại trên biển Đông, nhưng các tranh chấp này không bao giờ leo thang thành một cuộc chiến tranh, "một phần vì không một quốc gia nào muốn gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế bằng cách khởi động xung đột", Haas nói.
Ngoài ra, châu Á cũng có điều kiện nhân khẩu học thuận lợi. Haas nói: "Hầu hết các nước châu Á đều có những xã hội tương đối đồng nhất (về mặt sắc tộc và văn hóa) với bản sắc dân tộc mạnh mẽ, do đó rủi ro có xung đột dân sự bùng phát và lan ra các nước khác là tương đối thấp".
Hơn nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại lục địa này trong nhiều năm đã làm giảm nhu cầu của các nước châu Á trong việc phát triển các chương trình quân sự lớn của riêng họ, Haas nói thêm.
Thay đổi luật chơi
Tuy nhiên, nhiều diễn biến gần đây đang đe doạ gieo mầm mâu thuẫn và phá vỡ sự thịnh vượng kinh tế ở châu Á.
Haas cho biết các động thái gần đây ở Biển Đông và biên giới với Ấn Độ của Trung Quốc là một phần trong chiến lược của ông Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại.
"Khi Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán hơn - được thể hiện bằng tranh chấp biên giới với Ấn Độ và yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông - các nước khác đang ngày càng có động cơ để tăng chi tiêu quân sự của họ. Nếu những diễn biến này tiếp tục, có khả năng một vài sự kiện sẽ leo thang thành một cuộc xung đột", Haas viết thêm.
Việc ông Donald Trump rút khỏi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gây bất đồng với các đồng minh của Mỹ về chi tiêu quốc phòng càng làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia. Haas cho rằng: "Chính sách đối ngoại ngày càng khó lường của Mỹ có thể làm suy yếu khả năng ngăn chặn xung đột, buộc các nước đồng minh của Mỹ phải tự tăng cường khả năng quân sự để bảo vệ an ninh của chính mình".
Các màn đe dọa lẫn nhau giữa ông Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un cũng khiến tình hình chính trị của khu vực thêm phần nghiêm trọng.
"Những lời đe dọa tấn công như vậy có thể gây ra mất ổn định, nếu nó khiến các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản tăng chi tiêu cho quân đội và suy nghĩ lại về việc phát triển vũ khí hạt nhân", Haas nói.
Bá Ước
Nguồn CNBC