Trung Quốc muốn thoát bẫy "công xưởng thế giới"
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn giành lại việc làm từ tay người Trung Quốc về lại nước Mỹ. Nhưng ý tưởng này dường như chưa hẳn là một ý hay khi Trung Quốc, vốn vẫn được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", đang đẩy mạnh chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để trở thành một cường quốc sáng tạo mới.
Theo các chuyên gia phân tích của Credit Suisse Group AG, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về mặt chi tiêu R&D (tính theo % GDP) vào năm 2020, . Điều này sẽ giúp Trung Quốc chuyển từ mô hình phát triển phụ thuộc vào đầu tư hướng tới mô hình tăng trưởng dựa vào kinh tế tri thức, nhất là khi lực lượng lao động của nước này đang trên đà suy giảm.
Tăng trưởng chi tiêu dành cho hoạt động R&D của Trung Quốc trong vài năm qua. Nguồn: Bloomberg |
Chi tiêu cho các hoạt động R&D của Trung Quốc trong năm 2015 đạt 205 tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2009. Chi tiêu cho R&D đang tăng dần tỷ trọng từ mức 1,7% GDP hồi 6 năm trước lên mức 2,1%. Trong khoản thời gian này, Trung Quốc đã vượt mặt nhiều nước khác trong việc phát triển công nghệ, theo Vincent Chan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô Trung Quốc tại Credit Suisse.
"Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nước chuyên gia công và tạo ra nhiều thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ", theo Chan.
Trung Quốc chiếm 31 trong số 163 startup có giá trị trên 1 tỷ USD của thế giới. Nguồn: Bloomberg |
Di truyền học và nghiên cứu tế bào, mạng lưới thiết bị kết nối mạng (Internet of Things - IoT), xe dùng năng lượng mới, big data và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực mà Trung Quốc sẽ đóng vai trò hàng đầu thế giới, Credit Suisse nhận định.
Điều này có thể dẫn tới khả năng là trong một tương lai không xa, các sáng tạo của Trung Quốc cũng sẽ được học hỏi lại bởi các công ty Mỹ, thay vì chỉ là theo chiều ngược lại như hiện nay.
Chi tiêu R&D của Trung Quốc dành cho 6 lĩnh vực chính sẽ tăng mạnh đến năm 2020. Nguồn: Bloomberg |
An Phong
Nguồn Bloomberg