Thứ Tư | 14/05/2014 09:23

Trung Quốc muốn cạnh tranh với ADB

Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch thành lập ngân hàng thay ADB đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Buổi tối đầu tiên của sự kiện hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) được tổ chức tại thủ đô của Kazakhstan, các đại biểu đến từ 16 quốc gia đã bỏ qua vở bale Romeo và Juliet để ăn tối tại nhà hàng Great Wall.

Họ thưởng thức món vịt Bắc Kinh và tào phớ trong khi Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei dẫn đầu các cuộc thảo luận về việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngân hàng này có vốn điều lệ 50 tỷ USD và được tài trợ phần lớn bởi Trung Quốc. Điều bất thường là ngân hàng này bỏ qua Mỹ cũng như các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ.

Đề nghị của Trung Quốc được giới phân tích nhận định là một thách thức đối với vai trò của ADB - tổ chức được thành lập năm 1966 với sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản. Đây cũng là một trong số nhiều động thái mà Trung Quốc đang thực hiện để nâng cao tầm ảnh hưởng ở khu vực: gợi ý về một "siêu khu vực thương mại tự do" ở châu Á hay thúc đẩy hội nghị an ninh châu Á với sự tham dự của lãnh đạo Nga, Mỹ, Nhật.

Theo Oliver Rui, giáo sư tài chính kế toán đến từ China Europe International Business School ở Thượng Hải, Trung Quốc muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong các tổ chức quốc tế, và cách tốt nhất là tự thành lập những tổ chức mới.

Ngân hàng mới sẽ có quy mô bằng khoảng 1/3 so với ABD (ADB có tổng vốn 174 tỷ USD, theo báo cáo năm 2013). ADB đang được Standard & Poor's xếp hạng tín dụng AAA, trong khi chính phủ Trung Quốc có xếp hạng tín nhiệm AA-.

Erica Downs - chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Brookings - cho rằng các nước khác sẽ ít gặp bất lợi hơn nếu các dự án có doanh nghiệp Trung Quốc tham gia được tài trợ bởi AIIB thay vì những ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Trung Quốc có kế hoạch đóng góp phần lớn số tiền 50 tỷ USD mà không đòi hỏi nhất thiết phải sở hữu cổ phần kiểm soát, bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou cho biết hồi tháng 4. Nhóm thiết lập ngân hàng này có trụ sở ở Bắc Kinh và dẫn đầu bởi Jin Liqun, Chủ tịch China International Capital Corp. - một trong những ngân hàng đầu tư dẫn đầu trung Quốc.

"Châu Á rất cần đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong khi khả năng hiện tại của ADB thực sự chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu", Lou nói trong cuộc họp gồm tất cả các thành viên hôm 4/5. Ngược lại, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã quen với việc cung cấp các khoản vay thương mại cơ sở hạ tầng với quy mô hoạt động lớn hơn nhiều lần so với cả ADB và World Bank cộng lại.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Astana, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết Trung Quốc không tiếp cận với Nhật Bản trong vấn đề này. Ấn Độ - vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc - cũng không được mời.

Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Tài chính Trung Quốc, những người tham dự bữa tối tại Kazakhstan bao gồm các đại biểu đến từ Pakistan, Hàn Quốc, Kazakhstan, Mongolia và Sri Lanka.
Nhật Bản và Mỹ hiện là hai cổ đông lớn nhất của ADB. Tổng cộng, hai nước có quyền bỏ phiếu 26%, trong khi Trung Quốc chỉ có 5,47%.

Thông tin chính thức cho thấy ADB hoan nghênh kế hoạch của Trung Quốc cũng như kế hoạch tương tự được các nước BRICS đề xuất. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết ADB có thể cung cấp các khoản vay mới trị giá 13 tỷ USD mỗi năm, trong khi châu Á cần đến 8.000 tỷ USD trong thập kỷ tới để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

AIIB khác biệt với ADB ở chỗ ngân hàng này sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì xóa đói giảm nghèo, Lou phát biểu tại diễn đàn Bác Ngao mới diễn ra hồi tháng 4. AIIB cũng không đính kèm các điều kiện chính trị vào các khoản vay bởi Bắc Kinh có chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ


Sự kiện