Chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần so với GDP bình quân đầu người của nước này. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Hai | 26/02/2024 15:14

Trung Quốc: Một trong những nơi có chi phí nuôi con cao nhất thế giới

Báo cáo cho biết chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần so với GDP bình quân đầu người của nước này.

Một báo cáo mới được trích dẫn bởi CNN cho biết, Trung Quốc là một trong những nơi đắt đỏ nhất trên thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ, trong khi tỉ lệ sinh giảm nhanh chóng khi và Trung Quốc phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

 

Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Dân số YuWa có trụ sở tại Trung Quốc công bố hôm 21/2 cho thấy chi phí trung bình trên toàn quốc để nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến 17 tuổi là khoảng 74.800 USD, còn để một đứa trẻ có bằng cử nhân thì chi phí tăng lên hơn 94.500 USD.

Báo cáo cho biết chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần so với GDP bình quân đầu người của nước này, tỉ lệ chỉ đứng sau nước láng giềng Đông Á Hàn Quốc, quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và chi phí nuôi con gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người.

Để so sánh, con số này tại Úc chỉ bằng 2,08 lần GDP bình quân đầu người, 2,24 lần ở Pháp, 4,11 lần ở Mỹ và 4,26 lần ở Nhật - một quốc gia Đông Á khác từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và tỉ lệ sinh giảm.

Báo cáo cho biết: “Vì những lý do như chi phí sinh con cao và sự khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng gia đình và công việc, mức độ sẵn sàng sinh con của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất trên thế giới".

Dân số Trung Quốc đã giảm trong 2 năm qua, với năm 2023 đánh dấu tỉ lệ sinh thấp nhất kể từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949. Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã tác động đáng kể đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm đảo ngược xu hướng sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách hạn chế sinh.

Mặc dù chính phủ đã nới lỏng giới hạn về số lượng trẻ mỗi cặp vợ chồng có thể sinh, phát động chiến dịch khuyến khích các gia đình sinh thêm con và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính, nhưng vẫn không có nhiều thay đổi, theo báo cáo của YuWa.

Hơn nữa, báo cáo cho biết nếu chi phí nghỉ thai sản hoàn toàn do các công ty chịu mà không có sự trợ giúp của chính phủ, thì công ty có thể tránh tuyển dụng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

 

Và vì một số phụ nữ ngừng làm việc hoàn toàn khi nuôi con, điều đó khiến việc quay trở lại môi trường làm việc trở nên vô cùng khó khăn. Báo cáo cho biết, trích dẫn nghiên cứu từ nhiều bài báo, những phụ nữ có con có thể bị giảm lương từ 12-17%.

Sau đó là chi phí về thời gian, nhân công và tiền bạc để nuôi dạy một đứa trẻ.

Báo cáo cho biết: “Vì môi trường xã hội hiện tại ở Trung Quốc không thuận lợi cho việc sinh con của phụ nữ nên chi phí về thời gian và cơ hội để phụ nữ sinh con là quá cao. Một số phụ nữ phải từ bỏ việc sinh con để đổi lấy cơ hội thành công trong sự nghiệp”.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, tốt hơn một chút so với mục tiêu chính thức mà Bắc Kinh đặt ra. Nhưng đất nước này đang phải đối mặt với vô số thách thức, bao gồm ngành bất động sản suy thoái kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tăng cao, áp lực giảm phát, vỡ nợ doanh nghiệp và căng thẳng tài chính tại của chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.

Báo cáo cảnh báo rằng trong bối cảnh đó, tỉ lệ sinh giảm có thể tác động sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế, hạnh phúc chung của người dân và vị thế toàn cầu của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm: 

Nợ xấu ngành bất động sản vượt xa mức dự trữ khiến Mỹ "điêu đứng"

Nguồn CNN