Chủ Nhật | 22/07/2012 09:10

Trung Quốc mất dần lợi thế thị trường lao động so với Ấn Độ

Trong khi cuộc đua giữa 2 cường quốc kinh tế mới nổi vẫn quyết liệt, Ấn Độ sẽ dần chiếm lợi thế hơn trên thị trường lao động so với Trung Quốc.
Theo nhà kinh tế học John Maudlin, Trung Quốc sẽ mất khoảng 85 triệu người lao động tương đương dân số trong độ tuổi lao động của Anh và Đức trong vòng 30 năm tới. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ bổ sung thêm số lượng người lao động tương tự.

Xu hướng này sẽ khiến thị trường lao động Ấn Độ trong dài hạn có lợi thế hơn so với Trung Quốc do "sự thay đổi nhân khẩu học lớn" sẽ làm mất một phần đáng kể dân số lao động của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ và Trung Quốc giai đoạn 2000-2050
Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ và Trung Quốc giai đoạn 2000-2050

"Điều đó có nghĩa là Ấn Độ có số lượng người lao động nhiều hơn" và sẽ là một trong những nước thu hút nhiều vốn đầu tư nhất ở châu Á, Maudlin, Chủ tịch ban cố vấn và quản lý tài sản tại Millennium Wave Investments cho biết. Nhà kinh tế Maudlin cũng tin rằng mặc dù Ấn Độ thực sự có những vấn đề thâm căn cố đế về quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng nhưng nước này sẽ tìm ra cách giải quyết.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các chính sách của chính phủ thay vì dựa vào lực lượng thị trường. "Không một quốc gia nào có thể duy trì tỷ lệ đầu tư 50% GDP trong nhiều năm như Trung Quốc", và xu hướng này nếu tiếp tục sẽ gây ra những "hậu quả nghiêm trọng", Ông Maudlin nói thêm.

Chính sách 1 con của Trung Quốc đưa ra năm 1979 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình nhân khẩu học của nước này. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong 30 năm qua, tỷ lệ sinh - số trẻ em mà 1 phụ nữ dự kiến có trong suốt cuộc đời - ở Trung Quốc đã giảm từ 2,6 xuống 1,56 vào năm ngoái (trong khi 2,1 là tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số ổn định).

Tỷ lệ sinh của Ấn Độ và Trung Quốc trong giai đoạn 1960-2008
Tỷ lệ sinh của Ấn Độ và Trung Quốc trong giai đoạn 1960-2008

Kết quả là, Trung Quốc đã phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp trong một thời gian dài trong khi tỷ lệ dân số già của nước này đang phát triển nhanh chóng. Ngược lại, vào năm 2020, tuổi trung bình của người dân Ấn Độ sẽ là 29, trẻ hơn so với 37 của Trung Quốc và 48 của Nhật Bản, Liên Hợp Quốc cho biết.

Một số lượng lớn dân số trẻ trong thị trường lao động sẽ thúc đẩy kinh tế Ấn Độ phát triển. Tuy nhiên nước này cần thực hiện các chính sách tiến bộ và tạo ra nhiều việc làm bằng cách nhanh chóng cải cách nền kinh tế, tăng thị phần sản xuất từ 16% lên 25% trong 5 năm tới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa, Vishnu Varathan, nhà kinh tế thị trường tại Ngân hàng Mizuho Corporate ở Singapore cho biết.

Theo A.S. Thiyaga Rajan, Giám đốc quản lý một công ty quản lý tài sản tại Bangalore, Ấn Độ: "Nếu so sánh, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 9-10% trong 20 năm qua, tuy nhiên tốc độ này sẽ giảm xuống còn 5,6 hoặc 7% trong 10 năm tới. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể đạt 7-8% trong 10 năm tới nếu nước này đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng".

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện