Thứ Bảy | 16/03/2013 14:30

Trung Quốc liệu có thoát bẫy thu nhập trung bình?

Xuất hiện rất nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hiện nay có vẻ giống như những nước từng rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt là liệu nền kinh tế nước này có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong sự giàu có của số đông dân số nước này như đã từng làm trong hơn 30 năm qua.

Theo Time, Trung Quốc có khả năng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" - khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Rất ít nền kinh tế đang phát triển lọt vào nhóm các nước có thu nhập cao trong 50 năm qua, đó là Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc và Singapore. Hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình bị mắc lại ít nhất là trong một thời gian.

Một nghiên cứu năm 2012 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy, năm 2010, 35 trong số 52 quốc gia có thu nhập trung bình - được nghiên cứu trên khắp thế giới bị mắc kẹt. Một nghiên cứu hồi tháng 1 của các chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen thuộc đại học California, Berkeley, Kwanho Shin thuộc đại học Seoul và Donghyun Park của ADB tại Manila cho rằng tăng trưởng có thể chậm lại ở các quốc gia từng rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nghiên cứu cho rằng những giai đoạn giảm tốc như thế có vẻ tập trung ở những nước có mức thu nhập 15.000 - 16.000 USD và 10.000 - 11.000 USD (tính theo ngang giá sức mua), không xa lắm so với mức thu nhập hiện nay của Trung Quốc khi GDP bình quân đầu người của nước này năm 2010 là 7.129 USD.

Có quá nhiều lý do để lo lắng cho Trung Quốc. Trung Quốc đang phát triển đến thời điểm tiền lương tăng làm cho đất nước ít cạnh tranh trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (may mặc, điện tử, giày dép). Do vậy, Trung Quốc buộc phải chuyển sang các ngành công nghiệp cao cấp hơn. Điều đó có nghĩa là các công ty Trung Quốc phải đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Vì vậy nâng cao năng suất và chuyên môn quản lý là rất quan trọng.

Có những dấu hiệu cho rằng Trung Quốc đang đi theo hướng đó. Ví dụ điển hình là thành công trên toàn cầu của các công ty sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei hay hãng máy tính khổng lồ Lenovo.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Eichengreen, Park và Shin cho thấy những yếu tố của câu chuyện tăng trưởng Trung Quốc làm cho quốc gia này dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trước tiên, Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới chỉ trong một thời gian ngắn. Thứ hai là GDP - với hoạt động đầu tư tương đương gần một nửa GDP, các chuyên gia kinh tế lo ngại Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư quá nhiều trong nhiều năm sau này.

Yếu tố thứ ba là đồng nhân dân tệ bị định giá thấp cũng sẽ dần làm giảm hứng thú của các nhà đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước đối với thị trường Trung Quốc, chặn đường ý tưởng sáng tạo.

Dù vậy, có những dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc sở hữu một số lợi thế có thể giúp nước này thoát khỏi bẫy. Đó là, các sản phẩm công nghệ cao lành mạnh và chất lượng giáo dục tốt hơn các nước có thu nhập trung bình khác.

Các chuyên gia kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể đạt được mức thu nhập cao trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn bằng cách thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước phát triển. Họ cho rằng, con đường để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là thay đổi thành công mô hình tăng trưởng của một quốc gia.

Trung Quốc đang thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ. Cải thiện trong cấu trúc dài hạn, bao gồm cả thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai, tăng trưởng GDP và giảm sự bất bình đẳng đang đi đúng hướng nhưng có thể bị đánh giá thấp bởi các nhà đầu tư.

Chính phủ vẫn chỉ đạo cho vay trực tiếp thông qua các ngân hàng nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân đang chịu áp lực từ các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cần phải có những biện pháp cải cách đi sâu vào các vấn đề hơn.

Nguồn Time


Sự kiện