Nguồn ảnh: FP

 
Anh Quốc Thứ Tư | 22/07/2020 10:08

Trung Quốc lặng lẽ mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở vùng Vịnh

Sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng ở vùng Vịnh.

Tân Hoa Xã vừa đưa tin về cuộc gặp nhóm họp của các Bộ trưởng Ngoại giao từ Trung Quốc và các nước Ả Rập trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả Rập hai năm một lần. Trong cuộc họp lần thứ IX vừa diễn ra đầu tháng này, các nhà ngoại giao đã cam kết hợp tác sâu sắc và toàn diện trong nhiều lĩnh vực và bày tỏ một triển vọng xây dựng một khối Trung Quốc - Ả Rập trong tương lai.

Cuộc họp này một lần nữa lại làm dấy lên nhiều hoài nghi từ phương Tây về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại thế giới Ả Rập. Các nhà quan sát từ Mỹ vẫn thường chú ý vào vai trò của các công ty Trung Quốc trong khu vực qua các dự án của các "tên khổng lồ" Huawei hay BGI Group. BGI Group hiện đang xây dựng hàng loạt trung tâm xét nghiệm virus Corona trên khắp Trung Đông. Trong khi đó, các nhà quan sát Mỹ lại coi nhẹ sự hiện diện ngày một rõ ràng hơn của Trung Quốc trên nền kinh tế của khu vực - dựa vào các con số không mấy ấn tượng về chi tiêu vốn, tạo việc làm và đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn dần của Trung Quốc lên nền kinh tế các nước vùng Vịnh không thể đo lường một cách trực tiếp được. Nguồn ảnh: WPR.
Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn dần của Trung Quốc lên nền kinh tế các nước vùng Vịnh không thể đo lường một cách trực tiếp được. Nguồn ảnh: WPR.

Trung Quốc tiêu thụ một khối lượng khổng lồ dầu và khí đốt từ các nước vùng Vịnh, qua đó gián tiếp đầu tư mạnh mẽ vào các thực thể nhà nước ở khu vực. Trung Quốc cũng cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nhanh chóng và ổn định cho toàn bộ dân số trẻ vùng Vịnh.

Đại dịch COVID-19 dẫn đến giá dầu giảm thấp kỷ lục, tạo điều kiện cho Trung Quốc tích trữ, đồng thời đào sâu và mở rộng các khía cạnh ảnh hưởng kinh tế, đặc biệt là trong trung và dài hạn, khi mà các quốc gia phương Tây vẫn còn đang đóng cửa chống dịch.

Dầu khí chiếm hơn 70% doanh thu của hầu hết các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh và Trung Quốc hiện đang là khách hàng chính của các nước này. Mặc dù, chính phủ các nước này đang cố đa dạng hoá nền kinh tế, nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế của toàn khu vực. Vì vậy, Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt, dù gián tiếp, đến khả năng phân bổ chi tiêu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh doanh và xây dựng các chương trình kinh tế nhằm thu hút đầu tư của chính phủ các nước trong khu vực.

Xuất khẩu dầu khí từ các nước Ả Rập sang Trung Quốc ngày càng tăng trong những năm gần đây và đặc biệt cao trong thời gian gần đây. Điển hình là từ năm 2014, 70% xuất khẩu dầu thô của Oman là sang Trung Quốc và chỉ trong vòng hai tháng 4 và 5 năm nay đã tăng vọt lên 90%. Trong tháng 5, Ả Rập Saudi xuất khẩu 3/4 lượng dầu thô sang Trung Quốc. Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết các nước Ả Rập khác.

Sự sụp đổ gần đây của các thị trường dầu mỏ trong khi đại dịch COVID-19 làm tăng sự cấp bách của các quốc gia vùng Vịnh trong việc đa dạng hoá nguồn thu khác. Đối mặt với thâm hụt tài chính có thể tăng lên tới 25% GDP vào năm 2020, các chính phủ vùng Vịnh đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các công ty nhà nước và thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Điều này tạo cho Trung Quốc cơ hội hiệu quả về chi phí để củng cố và mở rộng chỗ đứng của họ trong các lĩnh vực chiến lược trên khắp vùng Vịnh.

Các quan hệ đối tác đầu tư Trung Quốc - vùng Vịnh trước đây định hình cho một khuôn mẫu trong tương lai. Nguồn ảnh: EPA.
Các quan hệ đối tác đầu tư Trung Quốc - vùng Vịnh trước đây định hình cho một khuôn mẫu trong tương lai. Nguồn ảnh: EPA.

Vào tháng 12.2019, chính phủ của Oman đã huy động được 1 tỉ USD bằng cách bán 49% cổ phần của Công ty Truyền tải điện Oman cho "gã khổng lồ" Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc.

Tương tự, vào tháng 5, Quỹ Silk Road thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng hoàn tất việc mua 49% cổ phần của tập đoàn năng lượng tái tạo của ACWA Power có trụ sở tại Ả Rập Saudi, một công ty chuyên sản xuất điện và khử mặn nước. Quỹ Silk Road và các đơn vị nhà nước khác của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Sinopec và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, đã thảo luận về triển vọng tham gia vào đợt chào bán công khai ban đầu của Saudi Aramco, một dấu hiệu ban đầu về một quan hệ đối tác trong tương lai.

Ngay cả khi các kế hoạch ​​phát triển quy mô lớn và các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực có thể bị đình trệ vì lý do ngân sách, các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ về dịch vụ công nghệ cho các tổ chức chính phủ và thương mại ở vùng Vịnh.

Tháng trước, công ty đầu tư Batic của Ả Rập Xê Út đã ký một thỏa thuận với Huawei để xây dựng các thành phố thông minh ở Ả Rập Saudi trong khuôn khổ dự án phát triển đô thị thông minh của Bộ Quy hoạch đô thị và phát triển Nông thôn nhắm vào 17 thành phố trọng điểm.

Vào tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông Oman cũng ký một thỏa thuận với Huawei để thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước và hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tương tự, Cơ quan Điện và Nước của Dubai cũng đang hợp tác với Huawei trong việc xây dựng và phát triển công nghệ và kĩ thuật số.

Trong khi đó, công dân trẻ và cư dân ở vùng Vịnh ngày càng trở nên quen thuộc với các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số từ Trung Quốc, mở đường cho hàng thập kỷ tham gia của người tiêu dùng. Đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi đem lại một tương lai xán lạn cho các công ty Trung Quốc khi tỷ lệ dân số ở các quốc gia Ả Rập ở độ tuổi dưới 25 nói chung là rất cao, từ 25% ở Qatar đến 50% ở Oman.

Những đối tượng này đang góp phần vào cuộc đua của các công ty Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei để tăng thị phần toàn cầu và tăng doanh thu quốc tế. Thu nhập bình quân đầu người tương đối cao và mức độ thâm nhập internet trong giới trẻ vùng Vịnh là đòn bẩy không hề nhỏ.

Hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc như TikTok, wechat... đang làm mưa làm gió trong giới trẻ vùng Vịnh. Sự hợp tác của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ non trẻ của vùng Vịnh cũng ngày một nhiều.

Dubai đã ký kết với công ty Trung Quốc Terminus Technologies với tư cách là đối tác robot chính thức cho sự kiện World Expo sẽ bắt đầu vào tháng 10.2021. Các quan chức Saudi cũng tuyên bố rằng, eWTP Arabia - một quỹ tập trung vào công nghệ có liên kết với Tập đoàn Alibaba sẽ xây dựng trụ sở tại Saudi Dự án Media City non trẻ của Ả Rập, một trung tâm truyền thông kỹ thuật số được lên kế hoạch ở Riyadh.

Sự khao khát tương đối của Trung Quốc đối với các mặt hàng hydrocarbon vùng Vịnh có thể giảm trong tương lai. Và các động lực thị trường năng lượng mới có thể thay đổi vị trí của Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí vùng Vịnh. Sự tham gia của Trung Quốc đang diễn ra với các khu vực phi dầu mỏ của khu vực sẽ tiếp tục tăng. Điều này không chỉ đảm bảo cho Trung Quốc vị thế  kinh tế không thể bàn cãi ở vùng Vịnh ngày hôm nay, mà còn đưa Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế có ảnh hưởng rất lớn trong các nền kinh tế vùng Vịnh trong những thập kỷ tới.

Có thể bạn quan tâm:

► Con đường dẫn đến “bình thường hóa” Mỹ - Trung

Nguồn WPR