Thứ Năm | 11/10/2012 14:34

Trung Quốc làm cách mạng công nghiệp nhanh gấp 10 lần châu Âu

Trong khi châu Âu mất 2 thế kỷ thì Ấn Độ và Trung Quốc chỉ mất lần lượt 16 và 12 năm để gấp đôi sản lượng kinh tế của mình.
"Anh, nước đầu tiên thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp đã mất 150 năm để gấp đôi sản lượng kinh tế và Mỹ, trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 đã mất hơn 50 năm để tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người", thứ trưởng thương mại Mỹ Michael Camunez cho biết.

"Một thế kỷ sau, khi Trung Quốc và Ấn Độ thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hai quốc gia này đã tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người lần lượt chỉ trong 12 và 16 năm", ông Camunez cho biết.

Hơn nữa, Anh và Mỹ đã bắt đầu quá trình công nghiệp hóa với số dân khoảng 10 triệu người, trong khi nền kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu tăng tốc với số dân mỗi nước khoảng 1 tỷ người, ông Camunez nói thêm.

Như vậy, hai nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới Ấn Độ và Trung Quốc trải qua cuộc cách mạng công nghiệp nhanh gấp khoảng 10 lần, với quy mô dân số gấp 100 lần, ông Camunez kết luận.

Michael Camunez cũng đề cập đến một báo cáo gần đây của Viện McKinsey Global cho rằng vào năm 2025, tầng lớp tiêu thụ sẽ tăng lên đến 4,2 tỷ người. Giá trị tiêu thụ tại các thị trường mới nổi sẽ chiếm 30 nghìn tỷ USD - chiếm gần một nửa tổng số tiêu thụ toàn cầu.

Điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo gần đây của Ngân hàng thế giới và IMF rằng khoảng 95% người tiêu dùng và 90% GDP của thế giới sẽ nằm ngoài lãnh thổ của Mỹ trong những thập kỷ tới, ông nói.

Xu hướng này là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và không giới hạn của nhóm nền kinh tế mới nổi BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, 6 trong số 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới tập trung ở khu vực châu Phi cận Sahara.

"Nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Âu năm ngoái là Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường phát triển nhanh nhất trong Liên minh châu Âu là Ba Lan chứ không phải là Đức", ông nói.

Quan chức thương mại này của Mỹ cho biết đã có sự thay đổi về cấu trúc trong thương mại toàn cầu, "sự nổi lên của các nền kinh tế mới và phát triển mạnh ở các thị trường mới nổi trên toàn cầu đã khiến ngành công nghiệp Mỹ hội nhập hơn bao giờ hết trong lĩnh vực ngoại thương".

Nguồn Hindu Businessline/Khampha


Sự kiện