Công nhân tại công trình xây dựng ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc là cường quốc hay vẫn đang phát triển?
Mới đây, trong tranh cãi với WTO, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn phát biểu: “Trung Quốc sẽ không phản đối những thay đổi nhằm để cập nhật hóa những luật lệ thương mại toàn cầu miễn là những luật lệ đó vẫn đem lại lợi ích cho Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đang phát triển”.
Phát biểu này nhắm đến xung đột thương mại của Bắc Kinh với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Vương nói rằng mô hình phát triển của mỗi nước “phải được tôn trọng” – ý muốn nói đến kinh tế do khu vực nhà nước làm chủ đạo của Trung Quốc, vốn đã gây ra nhiều lời than phiền rằng Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ mở cửa thị trường.
Hồi tháng Sáu, Bắc Kinh đã đồng ý làm việc với Liên minh châu Âu để đề xuất những thay đổi đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết các vấn đề như chính sách công nghệ, trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước. Đây là các vấn đề mà Trung Quốc đang hứng chịu chỉ trích từ phương Tây.
Bắc Kinh đã cáo buộc ông Trump phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu với việc đi ra ngoài khuôn khổ WTO để tăng thuế quan vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. “Chúng tôi không cho phép các thành viên khác tước của chúng tôi quyền được đối xử đặc biệt và ưu đãi mà các nước đang phát triển được hưởng,” ông Vương nói.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 13,2 nghìn tỉ USD trong năm 2018, vượt tổng GDP được dự báo đạt 12,8 nghìn tỉ USD của 19 nước trong khối Eurozone - theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg. Trong năm 2017, GDP của Eurozone chỉ nhỉnh hơn GDP của Trung Quốc chưa đầy 200 triệu USD.
GDP Trung Quốc dự báo sớm vượt khu vực châu Âu.
Theo Bloomberg, kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ ít nhất 6% mỗi năm trong thời gian còn lại của thập kỷ này và tăng 5-5,5% mỗi năm trong thập niên 2020.
Trung Quốc, sau một thời gian dài phát triển dựa trên danh hiệu công xưởng của thế giới và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đã chính thức bước vào con đường đầu tư ra nước ngoài như một biểu hiện của một cường quốc muốn xưng bá thế giới kinh tế.
Các dữ liệu này là một phần cơ sở để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa” về một cường quốc thế giới. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, lâu nay, Bắc Kinh vẫn rằng họ vẫn là một nước đang phát triển do đó được hưởng những quy chế đặc biệt. Đây chính là mâu thuẫn khiến Trung Quốc kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại đối đầu với Mỹ.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế trị giá hàng tỉ USD lên hàng hóa của nhau sau khi Mỹ than phiền rằng Trung Quốc đã đánh cắp hoặc gây áp lực với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Hoa Kỳ cũng phản đối kế hoạch Made in China 2025 của Chính phủ Trung Quốc để tạo ra những công ty cạnh trạnh trong lĩnh vực tự động và các công nghệ khác.
Ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Buenos Aires trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 bao gồm những nền kinh tế lớn. Các nhà phân tích khu vực tư nói rằng ít có khả năng cuộc họp này sẽ giải quyết được vấn đề.