Thứ Hai | 16/06/2014 10:39

Trung Quốc: Kích thích nhỏ mà hiệu quả lớn

Phương pháp tiếp cận từng phần của Trung Quốc nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ khá kín đáo, nhưng hiệu quả ngang với việc cắt giảm RRR trong ngân hàng.
Có những lời chỉ trích cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã không nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc nới lỏng tín dụng và tăng cường đầu tư. Vì vậy, các nhà chức trách Trung Quốc đã loại trừ khả năng áp dụng những biện pháp kích thích kinh tế lớn dù tốc độ tăng trưởng của quý I/2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng.

Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã dựa vào 4 bước điều chỉnh nhỏ để bơm 550 tỷ nhân dân tệ (88 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. Số liệu được tính toán dựa trên khảo sát của Reuters và thông tin nguồn.

Con số này cũng tương đương với lượng tiền được bơm ra nếu Trung Quốc cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).

Bốn bước điều chỉnh, gồm 2 đợt cắt giảm RRR đối với một số ngân hàng cụ thể và 2 khoản nợ lớn dành cho các ngân hàng thương mại, được thiết kế để bơm tiền trực tiếp vào những lĩnh vực đang cần vốn trong nền kinh tế và ngăn chặn hoạt động đầu cơ tích trữ.

Với bốn bước điều chỉnh có quy mô khá nhỏ và tinh vi, PBOC khẳng định rằng, chính sách tiền tệ tổng thể vẫn không thay đổi và duy trì tính thận trọng.

Cắt giảm tỷ giá hối đoái và lãi suất ngắn hạn cũng giúp nới lỏng thêm điều kiện tiền tệ.

Kể từ tháng 4 khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng biện pháp kích thích trên, lợi suất mua lại trái phiếu trong 7 ngày đã giảm 110 điểm xuống 3,7% và nhân dân tệ giảm 2,5% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014.

Ngân hàng đầu tư JPMorgan đã đưa ra một chỉ số phản ánh điều kiện tiền tệ của Trung Quốc. Chỉ số này theo dõi tác động của những thay đổi trong tăng trưởng tín dụng, dự trữ dư thừa, tỷ giá hối đoái thực và lãi suất trong vòng 1 năm của Trung Quốc.

Zhu Haibin, chuyên gia kinh tế tại JPMorgan nhận định, thanh khoản của nền kinh tế ngày càng lớn. Chỉ số điều kiện tiền tệ Trung Quốc của JPMorgan cho thấy, điều kiện tiền tệ đã được nới lỏng khoảng 20% trong tháng 4 so với tháng 3.

Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một số quyết định về chính sách tài chính, như đẩy nhanh tốc độ chi tiêu ngân sách, cắt giảm thuế đối với một số lĩnh vực và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của các biện pháp này rất khó để lượng giá.

Ngày 2/4, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kích thích kinh tế khi tuyên bố sẽ tăng tốc xây dựng thêm các tuyến đường sắt với số lượng mục tiêu của năm 2014 cao hơn 18% so với năm 2013.

Trong tháng 5, giới chức trách đã gửi thông báo khẩn cấp đến chính quyền các địa phương, yêu cầu chính quyền đẩy mạnh chi tiêu và quyết toán ngân sách năm 2014 vào cuối tháng 6, nếu không sẽ mất nguồn vốn tài trợ.

"Lời đe dọa" dường như đã có hiệu quả. Chi tiêu công của Trung Quốc trong tháng 5 tăng vọt 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, số vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 16%.

Số vốn đổ vào các công trình công cộng (như công viên) là 451 tỷ nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm 2014, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lượng tiền gửi tài chính trong năm nay tăng rất mạnh với mức tăng 19% tính đến cuối tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây rõ ràng là vấn đề phức tạp, dấy lên nghi vấn về số lượng tiền thực sự mà Chính phủ Trung Quốc đang bơm vào hệ thống tài chính nước này, theo Xu Gao, chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Essence.

Trên thực tế, giới đầu tư có thể thấy, điều kiện tiền tệ đã thay đổi và chính sách cũng được nới lỏng thông qua số liệu về lãi suất tái cấp vốn trong 7 ngày. Theo đó từ đầu năm 2014 đến thời điểm hiện tại, lãi suất tái cấp vốn trong 7 ngày đã giảm xuống 3% từ 5%.

Nguồn Theo DVO/ CNBC


Sự kiện