Thứ Hai | 25/03/2013 08:22

Trung Quốc: Khủng hoảng châu Âu có thể sẽ kéo dài sang thập kỷ tới

Tân bộ trưởng tài chính Trung Quốc cảnh báo khủng hoảng eurozone kéo dài sẽ làm phức tạp hóa nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ cho biết những khó khăn bên ngoài có thể khiến tình trạng thâm hụt ngân sách Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến, trong bối cảnh chi tiêu chính phủ gia tăng nhanh chóng còn tăng trưởng doanh thu chính phủ chỉ ở mức 1 con số.

"Tôi thực sự lo ngại về châu Âu. Điều tôi lo ngại nhất là liệu họ có thể thoát khỏi khủng hoảng trong vòng 10 năm tới hay không", ông Lâu nói.

"Chi phí tài chính của Trung Quốc đang tăng rất nhanh trong khi doanh thu của chính phủ chỉ ở mức khiêm tốn. Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tài chính trong nước rất lớn", bộ trưởng tài chính Lâu Kế Vĩ cho biết thêm.

Ông Lâu nhấn mạnh chỉ khi môi trường bên ngoài được cải thiện, Trung Quốc mới có thể lấy lại cân bằng tài chính sau khi thực hiện cải cách trong vòng vài năm.

Nhận định của ông Lâu đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại đảo Síp liên tục gia tăng trong những ngày qua. Những rối loạn trong hệ thống ngân hàng Síp cũng khiến niềm tin của nhà đầu tư với khu vực sứt mẻ rất nhiều.

Trong khi đó, sự đi xuống của eurozone và kinh tế toàn cầu khiến thâm hụt ngân sách Trung Quốc có xu hướng tăng trong thời gian qua. Theo số liệu kinh tế mới nhất, thâm hụt ngân sách Trung Quốc năm 2013 đã tăng từ 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 2% trong năm 2013.

Để đối phó với tình trạng suy thoái ở nước ngoài, Bắc Kinh buộc phải gia tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, đồng thời cắt giảm thuế với một số công ty vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, phần lớn chi tiêu của chính phủ Trung Quốc do các địa phương gánh, trong khi doanh thu của những địa phương này vẫn rất khiêm tốn, bất chấp hàng loạt biện pháp nhằm củng cố tài chính trong nước của Bắc Kinh.

Nguồn Reuters, IST/Khampha


Sự kiện