Nhà sản xuất ô tô Đức BMW đang mở rộng nhà máy ở Mexico, nước này đã vượt xa Trung Quốc về xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ
Lần đầu tiên sau 15 năm, Trung Quốc có thể mất danh hiệu nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu sang Mỹ trong nửa đầu năm, bị Mexico và Canada bỏ xa.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc từ tháng 1-5 giảm khoảng 25% trong năm xuống còn 169 tỉ USD. Trung Quốc chiếm 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, mức thấp nhất trong 19 năm và giảm 3,3 điểm phần trăm so với một năm trước đó. Nhập khẩu giảm trên một loạt sản phẩm, đặc biệt là chất bán dẫn, đã giảm một nửa.
Trong khi đó, nhập khẩu từ Mexico đã tăng lên 195 tỉ USD, mức cao nhất mọi thời đại trong giai đoạn này, tiếp theo đó là Canada ở mức 176 tỉ USD. Cả 2 quốc gia này dự kiến tiếp tục dẫn trước Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023.
Các nước Đông Nam Á cũng gửi nhiều hàng hóa hơn tới Mỹ khi sự hiện diện của Trung Quốc giảm bớt. Nhập khẩu của Mỹ từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đạt 124 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm, con số cao thứ 2 cho đến nay trong khoảng thời gian đó. Thị phần nhập khẩu vào Mỹ của khu vực này đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc gần như không thay đổi từ tháng 1-5 ở mức 62 tỉ USD. Mặc dù với tình hình hiện tại, đủ để đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của xứ cờ hoa, nhưng thị phần 7,5% của nước này chỉ bằng một nửa so với Mexico hoặc Canada và giảm so với mức cao nhất gần 9% năm 2020.
Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ vào năm 2009, đánh bại Canada. Khi ngành sản xuất chi phí cao của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trong bối cảnh suy thoái do khủng hoảng tài chính gây ra, Trung Quốc đã tận dụng giá thấp và chuỗi cung ứng tập trung để giành được chỗ đứng trong thương mại toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của nước này đã tăng gần gấp 4 lần trong 15 năm qua và tổng xuất khẩu đã tăng gấp 2,5 lần.
Nhưng sau khi đạt đỉnh khoảng 20% từ năm 2015-2018, tỉ trọng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bắt đầu giảm dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền của ông Trump đã áp đến 370 tỉ USD thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh thúc đẩy khôi phục lĩnh vực sản xuất của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden vẫn giữ các chính sách về thuế tương tự, đồng thời chuyển sang phong tỏa Trung Quốc khỏi các lĩnh vực như chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị viễn thông vì lý do an ninh quốc gia. Ông Biden đã kêu gọi tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm chip và pin.
Các công ty Mỹ đang tiến hành tổ chức lại mạng lưới sản xuất của họ. Apple đã khuyến khích các nhà cung cấp ở Đài Loan và các nơi khác chuyển trung tâm sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực như Đông Nam Á và Ấn Độ. Nhà bán lẻ quần áo Gap đang tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Mexico và Trung Mỹ.
Nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc không phải là không tác động đến Mỹ, khi mà người tiêu dùng đang phải chứng kiến mức giá cả tăng cao. Tuy nhiên, ý tưởng giảm thiểu rủi ro liên quan đến Bắc Kinh và chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp ở cả 2 đảng.
“Việc theo đuổi hiệu quả và chi phí thấp trên hết đã dẫn đến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương và rủi ro cao”, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai lập luận vào tháng 6.
Trong khi đó, Trung Quốc đang hướng tới Đông Nam Á như một điểm đến xuất khẩu. Trong khi xuất khẩu của nước này sang Mỹ giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023, thì các chuyến hàng của nước này đến ASEAN đã tăng 2%, theo dữ liệu thương mại của Trung Quốc. Một số nhà quan sát tin rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tăng cường chuyển sản phẩm qua khu vực này để sản xuất rồi bán sang Mỹ và các nơi khác.
Nếu nỗ lực tách rời khỏi Trung Quốc không chỉ dừng lại ở nước Mỹ, cả nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc và các công ty từng dựa vào nước này như một trung tâm sản xuất sẽ chịu thêm áp lực buộc phải thay đổi chiến thuật.
Có thể bạn quan tâm:
Xu hướng làm việc từ xa sẽ xóa sạch 800 tỉ USD bất động sản văn phòng
Nguồn Nikkei Asia