Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho các nhà xuất khẩu
Trưởng bộ phận quan hệ với giới đầu tư của Caterpillar, ông Mike DeWalt cho biết, Trung Quốc chiếm 1/10 doanh số của Caterpillar ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và chỉ 3% doanh thu toàn cầu của công ty.
Caterpillar hiện có 16 cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, với 11.000 nhân công. Tuy nhiên, năm ngoái, công ty này đã chuyển giám đốc điều hành từ Trung Quốc sang Hong Kong, điều này cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với sự phát triển của công ty này đang giảm dần.
Các nhà sản xuất nhiều năm gần đây tăng trưởng phụ thuộc vào châu Á thì năm nay hy vọng sẽ dựa vào Mỹ hay Mỹ Latinh, trong khi giảm dần phụ thuộc vào châu Á và châu Âu.
Xu hướng này thực tế bắt đầu từ giữa năm ngóa khi nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc suy giảm đáng ngạc nhiên. Caterpillar cho biết, họ đã đánh giá quá cao nhu cầu của đối với các thiết bị xây dựng. Công ty này dự báo, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn giảm trong năm nay, thấp hơn dự báo ban đầu là tăng 5-10%.
Chuyên gia phân tích thuộc Barclays Capital, Andy Kaplowitz, nhận định, mặc dù hầu hết các nhà sản xuất lớn có lợi nhuận quý vượt kỳ vọng nhưng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc có xu hướng chững lại sẽ ảnh hưởng đến cả mùa lợi nhuận.
Trong khi đó, tại Mỹ, doanh số bán hàng của Caterpillar vượt dự báo khi các công ty xây dựng và khai mỏ có nhu cầu thay mới máy móc.
Nhà sản xuất thiết bị công nghiệp Eaton cũng tăng doanh số tại Mỹ, và dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của họ tại thị trường Mỹ sẽ tăng 9%, so với dự báo ban đầu là 6%, trong khi ở các thị trường khác giảm từ 4% xuống còn 2%.
Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm ảnh hưởng đến hầu hết các nhà sản xuất của Mỹ, thì doanh số của các công ty này ở các thị trường mới nổi khác lại tăng.
Doanh số quý I/2012 của DuPont, một trong những công ty hóa học lớn nhất thế giới, tăng 30% tại Trung Đông, và 23% ở Mỹ Latinh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giảm 2% ở châu Á.
Với tập đoàn công nghiệp United Technologies, lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc cùng giảm 15%, trong khi đơn đặt hàng từ Brazil, Ấn Độ, Nga tăng 20%.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc chưa suy giảm đến mức buộc các nhà sản xuất phải thay đổi kế hoạch dài hạn của họ.
Giám đốc điều hành Caterpillar, ông Doug Oberhelman, cho biết, đến nay, những lo ngại về thị trường Trung Quốc vẫn chưa khiến chúng tôi thay đổi dự báo trong dài và trung hạn.
Cũng với quan điểm này, lãnh đạo United Technologies khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tăng trưởng trong nhiều năm tới. Chúng ta có thể thấy sự trồi sụt ở Trung Quốc, nhưng 2 quý suy giảm không khiến chúng tôi từ bỏ cơ hội ở đây”.
Trong khi đó, các nhà sản xuất Mỹ cũng bắt đầu hướng về thị trường nội địa trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ bên ngoài giảm.
Nguồn FT/DVT