Chủ Nhật | 27/05/2012 15:18

Trung Quốc khó tránh khỏi khủng hoảng kinh tế

Trung Quốc có thể vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng sẽ phải đối mặt với thách thức ngay trước mắt là một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trong vòng hai thập kỷ cứ mỗi hai năm các chuyên gia lại đánh giá rằng nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ vì những sự mất cân bằng quá lớn và sai lầm trong chính sách. Họ sẽ lấy dẫn chứng là những khoản vay không hiệu quả, những ngân hàng hoạt động thua lỗ, những doanh nghiệp nhà nước trì trệ và những bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, không một yếu tố nào trong số những yếu tố trên cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Nước này liên tục đạt tăng trưởng đáng ngạc nhiên 9,5% hàng năm trong vòng 3 thập kỷ qua.
Trong khi đó, trong cuốn sách mới của mình mang tên “Những quốc gia thành công” Ruchir Sharma, người quản lý quỹ Thị trường mới của Morgan Stanley đã giải thích cho thành công của Trung Quốc. “Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại và điều này sẽ làm thay đổi sự cân bằng quyền lực toàn cầu, từ tài chính đến chính trị. Những nước đang phát triển dựa vào thế của Trung Quốc sẽ không còn có được lợi thế như trước nữa.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc là rất đáng kể, nhưng không phải là một hiện tượng chưa từng có. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có mức tăng trưởng gần đạt 9% mỗi năm trong khoảng 2 thập kỷ và rồi bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Nhiều người cho rằng số phận của Trung Quốc sẽ kết thúc giống như Nhật Bản, sẽ sụp đổ và tăng chậm lại vào những năm 1990 rồi sau đó lại phát triển thịnh vượng trở lại. Nhưng một sự so sánh gần với thực tế hơn là Nhật Bản vào những năm 1970 khi mà tốc độ tăng trưởng của con hổ châu Á giảm từ 9% xuống còn 6%. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Hàn Quốc và Đài Loan.

Điều gì đã gây ra sự phát triển chậm lại này? Câu trả lời là thành công. Trong các trường hợp trên, nền kinh tế đã đạt được mức thu nhập trung bình. Khi nền kinh tế trở nên giàu có hơn, để tăng trưởng với mức độ đột biến trở nên càng khó khăn hơn.

Sharma đã tính toán như sau: Năm 1998, để nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD tăng trưởng 10%, nước này phải mở rộng các hoạt động kinh tế lên đến 100 tỷ USD và chỉ tiêu thụ 10% lượng hàng hóa công nghiệp của thế giới là những nguyên liệu thô từ dầu đến đồng và thép. Vào năm 2011, khi nền kinh tế đã đạt đượ trị giá 5 nghìn tỷ USD, để đạt được mức tăng trưởng như trên, nước này phải mở rộng nền kinh tế thêm 550 tỷ USD mỗi năm và tiêu thụ được khoảng 30% lượng hàng hóa của toàn thế giới.

Tất cả những yếu tố đã từng thúc đẩy Trung Quốc phát triển đã bắt đầu biến mất. Trung Quốc trở thành một nước đô thị hóa vào năm ngoái, với phần đông dân số sống ở thành phố. Tỷ lệ nhập cư vào thành phố giảm xuống còn 5 triệu người một năm. Điều này có nghĩa là lực lượng lao động dư thừa của nước này sẽ sớm cạn kiệt. Trong thập kỷ này, chỉ có 5 triệu người sẽ tham gia vào lực lượng lao động cốt lõi của Trung Quốc, giảm đột biến từ 90 triệu người kể từ thập niên trước. Và nhờ vào chính sách một con, sẽ có rất ít người Trung Quốc trẻ để thay thế những lao động đã nghỉ hưu.

Chính phủ Trung Quốc cũng có cái nhìn tương tự với Sharma. Trong nhiều năm liền, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã chuẩn bị cho một sự phát triển chậm lại. Thủ tướng Ôn Gia Bảo năm 2008 từng phát biểu rằng nền kinh tế của Trung Quốc “mất cân bằng, rời rạc và không bền vững”.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhằm phục vụ cho sự phát triển của mình. Ngân hàng trung ương của nước này có thể giảm lãi suất và chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Sharma cho biết trên giấy tờ các khoản nợ của Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn là 30% GDP nhưng khi tính cả các khoản nợ của các doanh nghiệp mà một tỷ lệ không nhỏ trong đó là của chính phủ, con số là thực sự đáng báo động. Chính phủ sẽ tiêu nhiều tiền hơn cho cơ sở hạ tầng những sẽ nhận được ít lợi ích hơn từ những sự đầu tư này. Những người tiêu dùng Trung Quốc đang tiêu dùng nhiều hơn nhưng ở một đất nước không có những mạng lưới an toàn và một dân số đang già đi, tỷ lệ tiết kiệm vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Sharma dự đoán rằng những nước đang được hưởng lợi từ sự phát triển của Trung Quốc, từ Australia đến Brazil sẽ gặp rắc rối khi mà nhu cầu của nước này về nguyên liệu thô giảm xuống. Ông còn dự đoán giá dầu sẽ giảm và sẽ làm tất cả các nước sản xuất dầu lo lắng.

Còn đối với Trung Quốc, Sharma cho rằng tỷ lệ tăng trưởng 6% không có gì là đáng lo, đây là những tỷ lệ đáng mơ ước cho bất kỳ quốc gia nào khác. Đất nước đang giàu hơn vì thế tỷ lệ tăng trưởng chậm hơn cũng là điều có thể chấp nhận được. Nhưng chế độ quản lý của Trung Quốc được hợp thức hóa nhờ vào sự tăng trưởng với chất lượng cao mà nó giúp tạo ra. Nếu điều đó không còn tồn tại nữa, những vấn đề kinh tế có thể chuyển thành các vấn đề chính trị.

Nguồn WP/DVT


Sự kiện