Trung Quốc học cách sống chung với tiền tệ "đắt đỏ"
Cuối tuần qua, những người điều hành hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục điệp khúc cho rằng, hệ thống tài chính vẫn hoạt động tốt ngay cả khi các mối lo về lãi suất liên ngân hàng xuất hiện trong thời gian gần đây.
Nhưng sẽ phải tốn nhiều từ ngữ nhẹ nhàng hơn để tự trấn an trước một thực tế: giá cổ phiếu tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp 4 năm trong tuần vừa rồi.
Câu chuyện chính mà Trung Quốc phải đối mặt chính là sự tăng đột biến lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor), một cảnh báo cho thấy, tín dụng đang chảy vào các “ngân hàng trong bóng tối” (hay còn gọi là hệ thống cho vay ngầm) không được kiểm soát đúng mức, bao gồm cả sự phát triển nóng của các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) cần phải kìm hãm ngay lập tức.
Liệu lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề dư thừa tài chính quá mức?
Lời giải thích đơn giản của những người đứng đầu là, lãi suất hiện hành của Trung Quốc quá thấp, cần phải tăng lãi suất và cần thắt chặt thanh khoản.
Theo Joe Zhang, tác giả của cuốn “Inside China’s Shadow Banking: the Next Subprime Crisis?” (“Bên trong hệ thống cho vay ngầm của Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tiếp theo?”), sự tăng trưởng đáng kể của các ngân hàng cho vay ngầm đã phản ánh việc định giá sai trên thị trường cho vay truyền thống.
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã vận hành một hệ thống tài chính mang tính phân biệt đối xử : Ngân hàng quốc doanh được cung cấp vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp liên kết ở mức lãi suất do cơ quan quản lý quy định, trong khi các doanh nhiệp tư nhân phải chịu mức cho vay hạn chế. Sự nổi lên của các ngân hàng cho vay ngầm đã mở ra nguồn tài trợ vốn lớn hơn, mặc dù lãi suất cũng cao hơn.
Sản phẩm quản lý tài sản (WMP) đón nhận nhiều ý kiến trái chiều nhất. Các sản phẩm này cho lãi suất cao hơn 1% đến 2% so với tiền gửi ngân hàng. Joe Zhang cho biết, phần lớn các sản phẩm này được cung cấp bởi các ngân hàng mà “tiền gửi chỉ là ngụy trang”.
Nhưng vấn đề thật sự không nằm ở các ngân hàng cho vay ngầm mà là hậu quả tiềm ẩn đằng sau quá trình duy trì lãi suất ở mức quá thấp. Các ngân hàng Trung Quốc thu lợi nhuận khổng lồ, trong khi chỉ phải trả lãi suất khoảng 2% tổng giá trị tiền gửi.
Về cơ bản, quan điểm cho rằng lãi suất nên cao hơn phản ánh niềm tin cho rằng, Trung Quốc rơi vào tình trạng lạm phát kinh niên suốt những thập kỷ gần đây.
Chuyên gia Joe Zhang lấy ví dụ mức lương của một nhân viên chính thức tại Ngân hàng trung ương Trung Quốc, nơi ông bắt đầu sự nghiệp vào năm 1986 với mức lương hàng tháng 130 nhân dân tệ (21,20 USD). Một nhân viên ở vị trí tương tự hiện nay hưởng lương 11.000 nhân dân tệ, nghĩa là tăng gấp 84 lần sau 24 năm. Nhìn chung, Joe Zhang tin rằng, lạm phát trung bình khoảng 5-10% /năm.
Sự thay đổi cầu tiền trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đã ủng hộ cho quan điểm này. Joe Zhang trích dẫn dự liệu cho thấy, kể từ năm 1986, GDP danh nghĩa của Trung Quốc tăng từ 1,03 nghìn tỷ nhân dân tệ lến 51,93 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2012, tăng gấp 49 lần. Nhưng đồng thời, cung tiền cũng tăng 144 lần.
Bất kỳ ai đã đi du lịch hay từng sống ở Trung Quốc trong những năm gần đây, đều không thể không nhận ra mức giá đang leo thang vô cùng dữ dội.
Một người cộng tác đã chia sẻ rằng, tiền lương hàng tháng của các nhân viên bán lẻ tại Chu Hải, một trung tâm lân cận Hong Kong, tăng từ 1.000 nhân dân tệ lên đến 4.000 nhân dân tệ trong vòng 5 năm qua. Giá cả tăng cũng đồng nghĩa với việc các nhà hàng ăn nhanh như Café de Coral bây giờ ở Trung Quốc đã đắt hơn hơn so với Hong Kong, khoảng 38 nhân dân tệ trên một bữa ăn.
Tất nhiên, mối quan tâm đã nổi lên trước đây chính là tình trạng bong bóng tín dụng không bền vững. Dù có những khác biệt lớn trong năm nay nhưng chi tiêu vốn một cách lãng phí hay phân bổ sai nguồn vốn khiến cho mối nguy hại bùng nổ bong bóng tín dụng không hề có dấu hiệu lắng xuống.
Hiện tượng đáng báo động là sự lạc điệu giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ tín dụng, cụ thể, tăng tín dụng không còn có thể thúc đẩy tăng trưởng. Hậu quả là một nền kinh tế có lạm phát cao và giá bất động sản tăng, trong khi giá tại các nhà máy sản xuất giảm. Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất vẫn âm từ đầu năm ngoái và đã giảm 2,9% trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 5/2013).
Điều này có thể hé mở lời giải thích cho việc GDP giảm, ngành công nghiệp tiếp tục được mở rộng khi giá giảm nhờ nguồn cung tín dụng giá rẻ.
Ở cấp độ công ty, điều này thể hiện ra ở tình trạng dư thừa công suất trong khi lợi nhuận trên mỗi đồng vốn giảm.
Trung Quốc đến lúc cần mô hình tăng trưởng mới
Các nhà phân tích tại Barclays cho rằng, chuyển dịch sang trạng thái tái cân bằng và giải chấp là chính sách đúng đắn, nhưng cũng cảnh báo rằng, điều này dẫn đến nguy cơ làm sụt giảm không những giá tài sản, mà còn cả tốc độ tăng trưởng và tỷ giá hối đoái. Kinh tế Trung Quốc có thể phải trải qua thời kỳ "hạ cánh cứng" với tỷ lệ tăng trưởng quý chỉ 3%.
Thách thức lớn đối với Trung Quốc là làm cách nào để các ngành công nghiệp đang phải mang nặng các khoản nợ, có thể tồn tại mà không cần đến nguồn tín dụng giá rẻ như trước. Nếu chỉ đơn thuần hạn chế các ngân hàng cho vay ngầm có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn, khiến dòng "vốn nóng" nhanh chóng rút khỏi thị trường.
Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc cần phải học cách sống chung với thời đại tiền tệ “đắt đỏ” hơn.
Nguồn Marketwatch/Dân Việt