Trung Quốc hạ nhiệt, Hàn Quốc khốn đốn
Khi động cơ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chạy hết tốc lực trong 10 năm qua, Korea Petrochemical Industrial Co. và hàng loạt các công ty khác tại thành phố công nghiệp 1,2 triệu dân Ulsan đã hưởng lợi rất lớn. Cụ thể, các nhà sản xuất của Ulsan đã xuất khẩu lượng lớn nhựa, thép, tàu biển và linh kiện, phụ tùng ôtô sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh và dường như không bao giờ hạ nhiệt của thị trường này.
Kết quả là Hàn Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất thế giới kể từ năm 2013. Trong đó, sản phẩm hóa dầu là một trong những mặt hàng được xuất đi nhiều nhất. Tại Korea Petrochemical, công ty chuyên sản xuất hạt nhựa dùng để sản xuất ống nhựa, vỏ bọc cho dây và thiết bị gia dụng, thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/3 doanh thu vào năm 2010.
Nhưng giờ đây Korea Petrochemical và các nhà xuất khẩu khác vốn buộc chặt số phận của mình với nền kinh tế Trung Quốc đang cảm thấy sức ép rất lớn khi nhu cầu tại đây lao dốc. Hãng sản xuất ôtô Hyundai Motor vào tháng 7 vừa qua đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý thứ 6 liên tiếp, cũng vì nhu cầu ảm đạm tại thị trường Trung Quốc.
Các nhà máy ở Ulsan của Korea Petrochemical cũng chỉ chạy 2/3 công suất trong 6 tháng đầu năm 2015, mức thấp nhất trong ít nhất 15 năm qua. Xuất khẩu nhựa của công ty này đã giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái khi đơn hàng từ các nhà máy Trung Quốc giảm. “Sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc rất quan trọng đối với tương lai của Công ty”, Jang Jae-kwon, Giám đốc về chiến lược bán hàng của Korea Petrochemical, cho biết.
Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc chỉ là một trong số các nạn nhân bị tác động nặng nề khi tăng trưởng Trung Quốc chậm lại xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua. Tại Malaysia, quốc gia mà xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 8% nền kinh tế nước này, mối quan ngại về nhu cầu giảm tại Trung Quốc đối với dầu cọ (dùng trong mỹ phẩm, sôcôla...) đã kéo giá loại hàng hóa này xuống mức thấp trong 6 năm.
Đài Loan, với 14% GDP bị lệ thuộc vào hàng hóa xuất sang Trung Quốc, gần đây đã phải cắt giảm phân nửa dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay còn chỉ 1,56% do các đơn hàng từ Trung Quốc đối với mặt hàng linh kiện điện tử bị giảm sút.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu Hàn Quốc (trong đó hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 25%) đã giảm 9 tháng liên tiếp và trong tháng 9, đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái theo sau mức giảm 15% vào tháng 8. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Vào tháng 6, Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2015 từ 3,8% xuống còn chỉ 3,1%.
Những nhà xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc năm 2014 |
Mặc dù giới cầm quyền Trung Quốc nói rằng tăng trưởng đang chậm lại một cách từ từ nhưng các quan chức Hàn Quốc rất lo lắng. Bộ trưởng Tài chính Choi Kyung-hwan gần đây phát biểu rằng một cuộc hạ cách cứng của Trung Quốc sẽ “tác động cực kỳ nghiêm trọng” lên nền kinh tế nước này.
Vào tháng 9, hoạt động nhà máy Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Đây là dữ liệu mới nhất trong hàng loạt thông tin kém lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc, cho thấy sức ép ngày càng tăng của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc.
Vào năm 2000, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc là Mỹ và doanh số bán sang Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 3% GDP. Nhưng năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã chiếm tới hơn 10% GDP và gần gấp đôi giá trị xuất khẩu của nó sang thị trường Mỹ.
Sự lệ thuộc quá lớn này đã khiến cho Hàn Quốc trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương khi tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, mà Ulsan là ví dụ điển hình. Đây là một thành phố cảng ở miền Đông Nam Hàn Quốc, được chọn làm nơi đóng đô của ngành công nghiệp nặng nước này vào thập niên 1970. Ulsan là đại bản doanh của nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất thế giới, xưởng đóng tàu lớn nhất và nhà máy lọc dầu lớn thứ hai. Thành phố cũng có mức thu nhập bình quân đầu người lớn nhất nước. Nhưng tình hình đang rất bấp bênh khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Các công ty hóa dầu của Ulsan chính là bằng chứng sống động cho mối hiểm họa từ việc quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Lấy ví dụ về Korea Petrochemical. Công ty hóa dầu này được thành lập vào năm 1970, bán hầu hết các sản phẩm nhựa trong nước cho đến giữa thập niên 1970.
Korea Petrochemical bắt đầu xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc sau khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Đến năm 2000, Trung Quốc đã trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng đến nỗi khi nước này đe dọa ngưng mua các sản phẩm nhựa từ Hàn Quốc để trả đũa cho việc Hàn Quốc áp đặt thuế quan lên mặt hàng tỏi Trung Quốc thì các nhà điều hành Korea Petrochemical đã phải mua khối lượng lớn tỏi và phân phát chúng cho nhân viên. Mục đích là nhằm cho thấy sự hỗ trợ của nó đối với Trung Quốc, theo ông Jang, Korea Petrochemical.
Việc làm này đã giúp cho xuất khẩu của Korea Petrochemical tăng 33% vào năm 2003 và thêm 29% vào năm 2004 - 2 năm mà Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhất 10%.
Capro Corp., nhà sản xuất hợp chất hóa học caprolactam duy nhất của Hàn Quốc (caprolactam được sử dụng trong sản xuất thảm và lưới đánh cá), cũng chứng kiến nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh. Vào năm 2001, Capro đã bắt đầu xây dựng một nhà máy thứ ba để tăng hơn gấp đôi công suất sản xuất. Đến năm 2005, do nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục tăng lên, giá caprolactam đã nhảy vọt lên tới 2.087 USD/tấn, gấp 2 lần mức giá của năm 2001. Xuất khẩu của Capro cũng tăng hơn gấp 4 lần về giá trị so với năm trước đó.
Nhưng đồng thời, các công ty Trung Quốc như tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước China Petroleum & Chemical Corp., hay Sinopec cũng đã tăng mạnh công suất sản xuất nhựa. Đến năm 2015, mỗi tháng Trung Quốc sản xuất nhiều hơn 70% hạt nhựa tổng hợp - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Korea Petrochemical - so với năm 2010, trong khi sản xuất caprolactam của nước này đã tăng gần gấp 3 lần. Cạnh tranh gay gắt đã khiến giá nhựa giảm xuống và nhiều nhà xuất khẩu Hàn Quốc bắt đầu chứng kiến lợi nhuận của họ bị co lại.
Capro đặc biệt bị tác động mạnh khi xuất khẩu caprolactam của Công ty sang Trung Quốc giảm xuống con số zero trong năm 2013. Năm ngoái, Công ty đã đóng cửa một trong những nhà máy của mình và đã sa thải khoảng 100 nhân viên. Công ty có khả năng đối mặt với năm thứ 4 liên tiếp bị thua lỗ.
Hiện tại, một số công ty hóa dầu của Hàn Quốc vẫn được một số yếu tố hỗ trợ trong đó có việc giá dầu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, nhờ đó đã giảm được tác động từ việc nhu cầu Trung Quốc chậm lại. Giá dầu giảm đã giúp cho họ giảm được chi phí, nhờ đó cải thiện được lợi nhuận. Korea Petrochemical là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ việc giá dầu giảm khi báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý II năm nay, dù doanh thu giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi thế giá dầu khó có thể duy trì được, vì khách hàng có tâm lý kỳ vọng giá bán sẽ giảm hơn nữa (do giá dầu giảm) mà chần chừ trong việc đặt hàng. “Khi giá giảm, các khách hàng quốc tế chờ cho giá giảm hơn nữa”, Kim Sung-yul, một công nhân nhà máy đã có 28 năm làm việc tại Aekyung Petrochemical, nhận xét.
Korea Petrochemical không rơi vào hoàn cảnh bi đát như nhiều công ty Hàn Quốc khác, một phần là nhờ đã sớm tiến vào phân khúc có biên lợi nhuận cao hơn. Vào giữa thập niên 2000, Công ty đã xuất khẩu mặt hàng nhựa cao cấp hơn và khó sản xuất hơn. Loại sản phẩm này được sử dụng trong lĩnh vực ống gas và nước công nghiệp, vốn chịu được sức ép cạnh tranh cao hơn so với những mặt hàng nhựa rẻ hơn được dùng trong đồ nhà bếp và các thiết bị hàng tiêu dùng khác.
Dù vậy, xuất khẩu nhựa của Korea Petrochemical vẫn đang trên đà suy giảm. Đó là lý do các nhà điều hành Korea Petrochemical đang tính đến chuyện phải giảm sự lệ thuộc hơn nữa vào thị trường Trung Quốc hoặc phải đưa ra một chiến lược sản phẩm hoàn toàn mới. “Có thể đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại và quyết định có nên tiếp tục duy trì danh mục kinh doanh hiện tại hay không”, ông Jang, Korea Petrochemical, nói.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ