Trung Quốc gián tiếp cảnh báo Triều Tiên
Một số nhà phân tích đánh giá rằng, bài phát biểu của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc có thể xem như một lời “cảnh báo gián tiếp” đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng liên tục đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.
“Không ai có thể được phép đẩy khu vực và thậm chí là toàn thế giới vào sự hỗn loạn vì mục đích tư lợi”, ông Tập phát biểu trước các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Bác Ngao. “Trong khi theo đuổi những lợi ích riêng của mình, mỗi quốc gia cần thích nghi với lợi ích phù hợp của các quốc gia khác”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Tập.
Trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự leo thang căng thẳng, Mỹ vừa quyết định hoãn một vụ thử tên lửa xuyên lục địa. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị giấu tên đã tiết lộ với Bloomberg rằng, lầu năm góc đã hoãn thử tên lửa xuyên lục địa Minuteman III từ căn cứ không quân Vandenberg ở California.Theo vị này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là người đưa ra quyết định lùi vụ thử, có thể là sẽ tiến hành vào tháng sau.
Theo ông Fang Xiuyu, giáo sư thuộc Đại học Fudan của Trung Quốc, “mặc dù ông Tập Cận Bình không đề cập tới Triều Tiên”, có thể xem những phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc là nhằm vào tình hình ở Triều Tiên. “Phát biểu của ông Tập là những bình luận mang tính quyết định lớn nhất tới thời điểm này từ phía Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên”, ông Fang đánh giá.
Hôm qua, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, Trung Quốc “rất quan ngại” về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, và sẽ bảo vệ các quyền và sự an toàn của công dân Trung Quốc tại Triều Tiên. Theo ông Hồng Lỗi, đại sứ quán Trung Quốc ở Bình Nhưỡng hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Trước đó, Triều Tiên đã đề nghị một số nước trong đó có Nga và Anh, xem xét sơ tán nhân viên đại sứ quán các quốc gia này ở Bình Nhưỡng . Triều Tiên cảnh báo rằng, các nhân viên đại sự quán nước ngoài có thể sẽ không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra tấn công.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã yêu cầu các công ty Hàn Quốc trong khu công nghiệp Kaesong chung giữa hai miền rời đi trước ngày 10/4.
Hôm qua, phía Hàn Quốc nhận định rằng, Bình Nhưỡng có thể phóng một tên lửa vào khoảng thời gian 10/4. Người đứng đầu lực lượng an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Jang Soo, tuyên bố rằng, chính quyền của Tổng thống Park Geun Hye đã sẵn sàng cho bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía Triều Tiên.
Thủ tướng Australia, bà Julia Gillard, hôm qua cũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao. Trong một cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp, bà Gillard cho biết, ông Tập đã nói với bà rằng, Trung Quốc không muốn chứng kiến xung đột và nguyện vọng của ông là muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - đã tỏ thái độ ủng hộ các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng kích nổ một thiết bị hạt nhân vào tháng 2. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice hồi tuần trước tuyên bố rằng, phía Mỹ đang thúc giục Trung Quốc “hành động nhiều hơn” nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Tháng trước, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí với các lệnh trừng phạt ngặt nghèo hơn mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã tới Bắc Kinh để tìm kiếm cam kết thực thi các lệnh trừng phạt này từ phía Trung Quốc.
“Rõ ràng, với đường biên giới giữa hai nước [Trung Quốc và Triều Tiên], với quan hệ kinh tế giữa hai nước, họ [Trung Quốc] có thể hành động nhiều hơn”, bà Rice phát biểu trên kênh MSNBC hôm 5/4.
Nữ đại sứ cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên, và nước Mỹ muốn gửi đi thông điệp rằng, Mỹ có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ các đồng minh mà “không phải quá bồn chồn”.
Theo ông Willy Lam, chuyên gia về lịch sử thuộc Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, thái độ của ông Tập Cận Bình về bất ổn trong khu vực “là một lời cảnh báo cứng rắn rằng chính quyền Kim Jong-un không nên đẩy căng thẳng gia tăng. Tôi cho rằng, lời cảnh báo này cũng ngầm nói với Mỹ và Hàn Quốc rằng họ cũng cần phải kiềm chế một chút và không nên có những hành động mang tính khiêu khích đối với Triều Tiên”.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập Cận Bình thể hiện sự nối tiếp quan điểm chủ đạo của những người tiền nhiệm ông, đó là sự nổi lên của Trung Quốc về kinh tế sẽ diễn ra trong hòa bình, rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm đối thoại với các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal đánh giá rằng, những phát biểu của ông Tập cho thấy chính sách của ông sẽ không mềm mỏng hơn so với những người tiền nhiệm.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục giải quyết phù hợp những khác biệt và căng thẳng với một số quốc gia”, ông Tập nói. Tuy nhiên, ông tuyên bố, Trung Quốc sẽ bảo vệ “chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ”. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh diễn ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một loạt quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, trái với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình sử dụng những ngôn ngữ giàu hình ảnh và trực tiếp. “Cũng giống như đối với không khí và ánh sáng mặt trời, chẳng mấy ai chú ý tới hòa bình khi đang được sống trong hòa bình. Nhưng không ai trong chúng ta có thể sống thiếu những thứ đó”, ông Tập nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, mâu thuẫn giữa các quốc gia là tất yếu, “điều quan trọng là các quốc gia cần giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn và các cuộc đàm phán để đảm bảo lợi ích lớn hơn là sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa các nước”.
Nguồn Vneconomy