Trung Quốc giảm vai trò chính phủ trong nền kinh tế
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết giảm vai trò của chính phủ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi đội ngũ lãnh đạo mới lên nắm quyền tháng 3 vừa qua. Trong các phát biểu tuần qua, ông Lý Khắc Cường cho thấy tín hiệu rằng chính quyền Trung Quốc không muốn sử dụng kích thích kinh tế để đối phó với suy thoái, nói rằng Trung Quốc phải dựa vào các cơ chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng.
"Điều đó cho thấy chính phủ của ông Lý Khắc Cường đang nghĩ khác với chính phủ Ôn Gia Bảo trong vấn đề tăng trưởng", chuyên gia kinh tế Ken Peng của BNP Paribas tại Bắc Kinh phát biểu. "Đầu tư do chính phủ dẫn đầu sẽ không còn là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng chung của Trung Quốc".
Những tác động ngay lập tức của thay đổi chính sách sẽ bị hạn chế khi tăng trưởng đầu tư tài sản cố định có thể tương tự như năm 2012, ông Peng nói. Tốc độ tăng đầu tư tháng trước bất ngờ giảm, và sản lượng công nghiệp Trung Quốc cũng không như ước tính.
Những quy định luật pháp giảm bớt chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, theo ông Peng. Tuy nhiên đừng mong đợi điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi tiền chứ không phải giấy tờ sẽ quyết định các khoản đầu tư.
Trong số các sân bay địa phương của Trung Quốc, 134 sân bay không mang lại lợi nhuận trong năm 2012 với tổng số lỗ lên tới 2.900 tỷ nhân dân tệ (472 triệu USD), theo người đứng đầu cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc Li Jiaxiang. Số lượng sân bay sẽ tăng từ 183 hiện nay lên 260 vào năm 2020, ông này cho biết.
Đầu tư và các nhà máy phong điện và khí đốt có thể do các cơ quan cấp tỉnh kiểm soát, cùng với các dự án đường sắt nội đô và xử lý đất hiếm. Hai nhà cung cấp đầu máy và toa tàu chính của Trung Quốc là China CSR Corp Ltd. và China CNR Corp Ltd sẽ nằm trong số các doanh nghiệp chính có khả năng tăng trưởng nhờ sự bùng nổ xây dựng đường sắt nhẹ.
Theo danh sách của chính phủ Trung Quốc, các dự án polyester với sản lượng mỗi ngày hơn 300 tấn và các nhà máy đường với công suất hơn 1.500 tấn mỗi ngày sẽ không cần xin chấp thuận trước của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Những thay đổi dự kiến làm giảm mạnh mẽ sự can thiệp của chính phủ trong các hoạt động kinh tế vi mô để mở rộng hơn nữa lợi ích từ cải cách và nâng cao động lực tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc tuyên bố.
Nguồn Dân Việt/Bloomberg